Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Đông Ngàn

LANHUONG| 21/06/2005 09:10

(HNMĐT) - Làng Đông Ngàn nay là một trong sáu thôn của xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Xã này được thành lập đầu năm 1949, trên cơ sở sáp nhập ba xã: Song Đông (gồm hai làng Đông Ngàn, Đông trù), Tiên Hội (hai làng Nội Thôn và Trung Thôn), Hội Phụ (hai làng Cự Trình và Hội Phụ) thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

(HNMĐT) - Làng Đông Ngàn nay là một trong sáu thôn của xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Xã này được thành lập đầu năm 1949, trên cơ sở sáp nhập ba xã: Song Đông (gồm hai làng Đông Ngàn, Đông trù), Tiên Hội (hai làng Nội Thôn và Trung Thôn), Hội Phụ (hai làng Cự Trình và Hội Phụ) thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đến năm 1961, xã được chuyển về huyện Đông Anh (Hà Nội).

Làng nằm ở bờ Bắc sông Đuống, tiếp giáp với làng Thượng Lão của xã Xuân Canh (huyện Đông Anh). Theo truyền thuyết, vào đời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân xâm lược nước ta, Thánh Gióng nghe tin xin vua được ra đánh giặc cứu nước. Trong số những người theo giúp Thánh Gióng, có ba ông: Bảo Khánh, Minh Khiết, Quốc Lang đã chiêu tập dân binh, đóng đồn tại ba điểm trong địa phận làng Đông Ngàn là: trang Nội, trang Long Tửu và trang Bắc Cầu để đánh địch theo lối du kích. Nghĩa binh cùng dân làng đuổi giặc ra khỏi làng, đuổi đến tận núi Vũ Ninh, chém được tướng giặc là Thạch Linh thần tướng, được Vua phong thưởng. Sau khi qua đời, các ông được dân làng Đông Ngàn lập miếu thờ, mỗi vị có một đền thờ riêng. Các triều vua về sau đều phong sắc cho các ông là “Đại vương”.

Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Đông Ngàn cũng là một xã thuộc tổng Hội Phụ. Tên làng cũng được dùng để gọi cho tên của một huyện - huyện Đông Ngàn của phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh) và lỵ sở huyện cũng đóng tại đây. Gò đất cạnh chùa được gọi là Gò Quan, là nơi các quan buộc ngựa để vào lỵ sở làm việc. Gần chùa còn có bãi Đường, là một khu đất rộng, bằng phẳng, tương truyền là nơi những người Trung Quốc đời nhà Đường tập trung buôn bán thành phố phường.

Do nằm ven sông Đuống nên xưa kia, Đông Ngàn còn có ba xóm: Thượng, Trung, Hạ ở bên kia sông, gọi chung là trang Bắc Cầu; về sau các xóm này chuyển sang xã Ngọc Thụy huyện Gia Lâm. Tục truyền, Bãi Bồng nằm trong khu vực các xóm bãi này từng là nơi Vua Lý dừng chân trước khi qua sông để về làng Đình Bảng. Xưa kia, vào mùa cạn, dòng sông Đuống rất hẹp, có thể bắc cầu tre để đi qua, không cần đi thuyền. Có lần Vua Lý qua đây bằng thuyền, song thấy sông hẹp liền lệnh cho dân bắc cầu để đi nên các xóm này được gọi là trang Bắc Cầu.

Vào đầu thế kỷ XV, giặc Minh đã đóng quân tại làng. Chúng tàn sát nên dân làng phải xiêu bạt khắp nơi. Sau khi giặc Minh bị diệt, các dòng họ mới chuyển về đây sinh sống. Năm 1926 làng có 1087 nhân khẩu.

Làng Đông Ngàn nổi tiếng về nghề nấu rượu bằng gạo nếp cái hoa vàng với những bí quyết riêng của từng gia đình. Tục truyền, rượu từng được tiến vua, vua uống thấy ngon liền cho gọi tên làng là “Long Tửu”.

Hội làng Đông Ngàn diễn ra vào ngày Rằm tháng Hai. Ngoài tế lễ và rước, hội còn có các tổ chức bơi thuyền trên sông Đuống giữa các giáp với nhau.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Đông Ngàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.