Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Đại Từ

HONGHAI| 07/03/2004 10:37

Làng Đại Từ thời phong kiến cùng với làng Linh Đàm (Linh Đường), hợp thành Linh Đàm; từ sau hòa bình, hợp với các làng Kim Lũ, Kim Giang, Kim Văn thành xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Đại Từ nằm ven một hồ nước lớn (hồ Linh Đường), còn gọi là đầm Đại, nên làng còn được gọi là làng Đầm.

Làng Đại Từ thời phong kiến cùng với làng Linh Đàm (Linh Đường), hợp thành Linh Đàm; từ sau hòa bình, hợp với các làng Kim Lũ, Kim Giang, Kim Văn thành xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Đại Từ nằm ven một hồ nước lớn (hồ Linh Đường), còn gọi là đầm Đại, nên làng còn được gọi là làng Đầm. “Đại Từ” có nghĩa là đại từ bi, theo tinh thần bác ái của đạo Phật. Phải chăng, điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành truyền thống kính già yêu trẻ, nuôi trẻ mát tay, hay ăn chóng lớn, béo khoẻ. Trước kia cũng như hiện nay đều có nhiều gia đình nhận trông trẻ thuê, không chỉ trẻ trong làng mà cả ở các làng bên, thậm chí trong nội thành. Không khí thoáng mắt mẻ bên hồ, hương sen ngào ngạt, nước giếng trong lành, lại có gò Đại Bi thờ mộng, cùng với lòng yêu trẻ đã tạo nên một nghề truyền thống như vậy.

Thời phong kiến, làng Đại Từ có ông Nguyễn Chính (1562 - ?) đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Dần niên hiệu Hoằng Định đời Lê Kính Tông(1602), từng làm Phó sứ trong đoàn đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Ông có công truyền nghề dát thiếc cho làng Giáp Lục, xã Thịnh Liệt (nay thuộc phường Tân Mai), nghỉ hưu tại làng này nên được dân làng thờ làm thành hoàng.

Làng Đại Từ xa xưa có ngôi đình chung với làng Linh Đàm, được dựng vào cuối thế kỷ XVII. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, làng mới dựng đình riêng, gọi là đình Đại, thờ vị thuỷ thần, tương truyền là con Vua Thuỷ Tề, ham học. Để theo học Chu Văn An, vị hoàng tử này hàng ngày đội nước đầm Đại lên nghe giảng bài. Nhân một lần hạn nặng, Chu Văn An yêu cầu hoàng tử hoá phép lấy bút chấm vào nghiên mực và vẩy lên trời, làm bầu trời tự nhiên phủ kín mây đen, mưa xối xả. Sau, vị hoàng tử này bị Vua Thủy Tề trừng trị vì lầm lộ thiên cơ. Về sau, dân trong vùng thấy xác một con thuồng luồng nổi lên vên hồ, biết rằng đó là con Vua Thủy Tề nên đem chôn và lập miếu thờ. Thực tế, đây là câu chuyện một người có công giúp dân đào mương chống hạn, được nhân dân ghi công, sau này được truyền thuyết hóa cho linh thiêng. Đây cũng là biểu hiện của việc thờ nước, cầu mưa thuận gió hòa của người Việt.

Làng có chùa Đại Bi là ngôi chùa chung với làng Linh Đường. Văn bia sớm nhất được dựng vào năm Hoằng Định thứ năm (1604) cho biết chùa do vợ chồng Ngạn Quận công họ Trịnh đứng ra tu sửa tòa tiền đường, thiêu hương, nhà ngang, tô 12 pho tượng Phật, hai pho Hộ pháp và cúng 5 mẫu ruộng vào chùa. Bia dựng năm Dương Hòa thứ tư (1638) cho biết chùa được mở rộng quy mô, do vợ chồng bà Trịnh Thị Ngọc Dung cúng 6 mẫu 5 sào ruộng. Bia dựng năm Chính Hòa 21 (1700) nói về bà Thị nội cung tần Trần Thị Ngọc Thúy - người làng cúng cho làng 300 quan tiền và 4 mẫu 5 sào ruộng để chi dùng việc chung và tu bổ lại chùa. Chùa hiện còn một quả chuông đồng đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ ba (1795). Chùa này đã bị phá hủy hầu hết trong thời kì tiêu thổ kháng chiến. Ngôi chùa hiện tại mới được xây lại bằng bê tông cốt thép, nhưng mô phỏng theo kiến trúc cũ. Từ cuối thời Nguyễn, làng Linh Đàm mới có ngôi chùa riêng của mình (chùa Linh Đàm).

Đại Từ còn có truyền thống làm ruộng, chăn nuôi giỏi. Ngày 12/10/1958, Đại Từ vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vì có năng suất lúa cao, có trại chăn nuôi sớm nhất ngoại thành Hà Nội. Sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, cán bộ và dân làng tạc pho tượng Người, hai tay nâng bó lúa vàng trĩu hạt, đôi mắt hiền từ nhìn đàn con cháu. Pho tượng đó hiện được đặt trong đình Đại, để nhắc đến một kỷ niệm sâu sắc với vị lãnh tụ và để giáo dục truyền thống.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Đại Từ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.