(HNMĐT)- Làng Giao Quang tên Nôm là Kẻ Quánh là một làng nhỏ nằm ven sông Nhuệ. Tục truyền, làng Giao Quang và làng Phú Đô xa xưa là một làng. Cả làng chung này có 5 giáp, có khu ruộng ngũ giáp rộng đến một mẫu, chia cho mỗi giáp 2 sào để lấy hoa lợi thờ cúng,
Về sau do dân cư đông nên tách ra thành hai làng. Làng Giao Quang có ba xóm : Ngoài, Giữa, Trong; trai đinh sinh hoạt trong ba giáp (Đông - Đoài - Nam), số ruộng ngũ giáp trước đây Giao Quang được quản.. Sau khi tách làng, hai làng vẫn duy trì lệ giao hiếu. Ngày mồng 8 tháng Giêng, làng Giao Quang cử đoàn đại diện sang Phú Đô để tế chung; đến ngày mồng 10, làng Phú Đô lại sang tế chung với Giao Quang.
Đầu thế kỷ XIX, Giao Quang là một thôn độc lập mang tên Vạn Bảo thuộc tổng Thiên Mỗ (sau đổi thành Đại Mỗ), huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (từ năm 1831 huyện Từ Liêm được cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; năm 1902 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông). Không rõ vào thời điểm nào, Vạn Bảo đổi thành Trùng Quang, đến năm 1916 đổi thành Giao Quang.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Giao Quang nằm trong tiểu khu Phú Đô, đến năm 1948 xã này nhập vào xã Hữu Hưng, huyện Liên Bắc. Sau hòa bình lập lại, xã Hữu Hưng thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, đến tháng 6 năm 1961, xã được cắt về huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Năm 1964, xã Hữu Hưng được chia thành hai xã : Đại Mỗ và Tây Mỗ; làng Giao Quang thuộc xã Đại Mỗ.
Làng Giao Quang nằm ven sông Nhuệ từ Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) về Đăm, Diễn thì hẹp dần. Năm 1935 - 1937, thực dân Pháp cho xây cống Liên Mạc để điều tiết nước sông Hồng, đồng thời mở rộng sông Nhuệ chạy thẳng qua làng Giao Quang. Sông này qua Cầu Đôi - cầu nằm trên con đường cổ từ Mỗ về Cầu Giấy nên còn gọi là sông Đôi. Làng Giao Quang bị mất 13 mẫu trong tổng số 224 mẫu ruộng của làng) vì việc mở sông. Số ruộng còn lại có đến trên 40 mẫu là ruộng công các loại. Do dân cư ít (trước Cách mạng Tháng Tám chỉ khoảng trên dưới 300 nhân khẩu), nên xưa kia bình quân ruộng đất của Giao Quang rất cao, nhưng phần lớn nông dân không có ruộng đất cày cấy nên xưa kia làng rất nghèo (cả làng chỉ có 2 nhà ngói).
Phần lớn đồng đất Giao Quang là đất thịt quánh (phải chăng tên Nôm của làng là Kẻ Quánh xuất phát từ đặc điểm này?), nên cấy cày rất vất vả, song lại cho thóc có tỷ lệ thành gạo rất cao (thường từ 73- 74 %), do vậy giá thóc ở đây bao giờ cũng cao hơn các làng khác. Làng Mễ Trì làm hàng xáo thường vào Giao Quang đong thóc để làm hàng,. Nhiều người con gái lấy chồng ở làng Giao Quang thường chuyển thóc ở làng bố mẹ đẻ về đây để bán cho được giá cao hơn. Ngoài nông nghiệp, dân làng còn đánh cá trên khúc sông Nhuệ và các khu đồng trũng như đồng Hói, đồng Song. Dân làng còn làm đậu phụ để bán cho các chợ trong vùng.
Tuy là làng nhỏ, nhưng lệ tục của Giao Quang xưa kia rất nặng. Trong đời người, mỗi trai đinh phải ít nhất một lần nuôi lợn trưởng tức lợn thờ (lợn đực đen tuyền, khoảng 30 kg) và nhiều lần thổi xôi thờ để dâng lên tế thần vào các ngày mồng 10 và 11 tháng Giêng, lại phải thay nhau lo bữa cơm cho hàng giáp. Làng hỗ trợ cho người nuôi lợn thờ 5 sào, người thổi xôi thờ 2 sào ruộng.
Làng Giao Quang có ngôi đình được dựng lần cuối cùng vào đầu thế kỷ XX sau khi đã qua 7 lần di chuyển. Đình thờ ả Lẫ Nàng Đê - một nữ tướng của Hai Bà Trưng và Thủy Hải Long Vương - vị thuỷ thần ven rông Nhuệ. Vị thần này được thờ chính tại miếu Hàm Rồng, ở cạnh Cầu Đôi, ven sông Nhuệ. Tục truyền, khu vực miếu này là điểm quan trọng nhất của một dải đất tựa như một con rồng chạy dài từ đồng Thần làng Giao Quang về đình làng Tây Mỗ (lưng, mình rồng), đuôi là đầu làng La Phù (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây; mắt rồng là miếu làng Giao Quang (hay miếu Hàm Rồng).
Làng còn có chùa Phúc Lâm được tu bổ lại đời Minh Mạng (1820 - 1841).
Hội làng Giao Quang diễn ra vào ngày 10 - 12 tháng Giêng. Trong hội có lệ thổi xôi thi giữa các giáp. Câu ngạ ngữ “Cá sông Đôi, xôi Kẻ Quánh” là nói về những sản vật có tiếng của làng Giao Quang trướcc đây.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.