Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Cương Ngô

LANHUONG| 19/11/2004 11:37

Làng Cương Ngô đầu thời Nguyễn là một xã độc lập thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng; từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội, đến năm 1888 thuộc tỉnh Hà Đông.  Tháng 4/1946, làng nhập với các làng Cổ Điển, Đồng Trì, Văn Điển thành xã Tứ Hiệp thuộc tỉnh Hà Đông, đến năm 1949 thuộc quận VI nội thành Hà Nội. Hòa bình lập lại thuộc tỉnh Hà Đông. Đến tháng 6/1961 được chuyển về Hà Nội.

Làng Cương Ngô đầu thời Nguyễn là một xã độc lập thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng; từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội, đến năm 1888 thuộc tỉnh Hà Đông.Tháng 4/1946, làng nhập với các làng Cổ Điển, Đồng Trì, Văn Điển thành xã Tứ Hiệp thuộc tỉnh Hà Đông, đến năm 1949 thuộc quận VI nội thành Hà Nội. Hòa bình lập lại thuộc tỉnh Hà Đông. Đến tháng 6/1961 được chuyển về Hà Nội.

Theo các bậc cao niên trong làng thì xa xưa, làng ở xứ Nhà Bỡ, là cánh đồng cao trước cửa làng, song không rõ từ bao giờ và vì lý do gì, làng được chuyển về khu vực hiện nay. Cư dân gốc thuộc ba dòng họ là Nguyễn, Trần và Lục. Tổ họ Lục là một người lính trong quân đội Tây Sơn sau chiến thắng quân Thanh vào những ngày đầu Xuân Kỷ Dậu (năm 1789) ở lại Cương Ngô lập nghiệp, tính đến nay được 10 đời. Hiện dòng họ có ba chi, ngoài ở làng, còn sống ở làng Yên Ngưu, Văn Điển.

Trong ba họ, hai họ Nguyễn và Lục có trưởng họ theo dòng trưởng, riêng họ Trần cứ cụ ông nào cao tuổi nhất được cử làm trùm họ. Cách cử trùm họ này gợi cho các nhà nghiên cứu về nguồn gốc của dòng họ hay về một kiểu tổ chức truyền thống của dòng họ người Việt trước khi ảnh hưởng của văn hóa Hán.

Dân làng Cương Ngô sống chủ yếu bằng làm ruộng. Tuy nhiên, trước Cách mạng, 95 % số hộ không có ruộng đất phải nhận ruộng lĩnh canh. Để có thêm thu nhập, dân làng có nghề đánh bắt tôm cá trong các đồng trũng, bằng nhiều hình thức.Trước Cách mạng Tháng Tám, Cương Ngô là một làng nhỏ, chỉ có 510 khẩu (năm 1926). Dân làng sống ở ba ngõ (tức xóm) là ngõ Ngò, ngõ Giữa, ngõ Vôi. Mỗi ngõ có một cổng, gắn với điếm xóm là nơi thờ thần linh bản thổ, nơi tổ chức các cuộc họp của xóm, vừa là nơi tập trung của tuần phiên. Quanh làng có các rặng tre và hồ ao bao bọc.

Trai đinh của làng chỉ sinh hoạt trong một giáp, gọi là giáp Thịnh. Giáp này cùng với tám giáp của làng Cổ Điển và một giáp của làng Đồng Trì lo việc tế lễ ở đình chungười của ba làng. Do làng “hỗn canh” với hai làng Cổ Điển và Đồng Trì nên toàn bộ tuần phiên của cả ba làng được chia làm ba chi, làm nhiệm vụ tuần phòng và hưởng lúa sương túc theo từng khu vực, trong đó tuần phiên của làng Cương Ngô thuộc chi Nội, đảm nhận tuần phòng ở sáu xứ đồng kề nhau của cả ba làng.

Làng Cương Ngô cùng với hai làng Cổ Điển, Đồng Trì dựng chung đình (nên còn gọi là đình Ba Dân hay đình Ba Chạ hay Tam xã linh từ, sửa lại với quy mô lớn vào năm Tự Đức thứ 26 (1873), chung chùa Long Quang (sửa lại vào năm Vĩnh Tộ thứ tư đời Vua Lê Thần Tông - 1622), nên còn gọi là chùa Cổ - Cương - Đồng. Làng cùng với hai làng bên tổ chức Hội Ba Dân, tại đình chung, từ 14 đến ngày 16 tháng Hai hàng năm.

Đình thờ các vị thần là Nguyễn Bồ (sắc phong là Phù Gia hiển huệ chiêu nghĩa đại vương, Thượng đẳng thần và Nguyễn Phục (sắc phong là Thiên chiêu đại vương Thượng đẳng thần và bà Quế Hương(sắc phong là Thần Tiên quốc vương, vợ Nguyễn ….), là những vị tướng đã chiến đấu với sứ quân Nguyễn Siêu - một trong 12 sứ quân chia cắt đất nước cuối thế kỷ X. Hai ông Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục đã hy sinh tại Điền Kiều (đầu làng Cổ Điển). Việc ba làng Cương Ngô, Cổ Điển, Đồng Trì chung đình chùa, cùng tổ chức lễ hội, phối hợp bảo vệ an ninh … là tư liệu quý để nghiên cứu về kết làng chạ, tổ chức “tam hợp” của các làng xã người Việt xưa kia.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Cương Ngô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.