Cách Hà Nội khoảng 48km, làng cổ Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, được coi là mảnh đất “địa linh nhân kiệt,
Cổng làng Thổ Hà. (Nguồn: Internet) |
Thổ Hà - Làng nghề vang bóng một thời
Nói đến Thổ Hà, người ta không thể không nhắc đến gốm. Không khó để nhận ra dấu tích của nghề gốm từng “vang bóng một thời” với gốm ẩn hiện trên những nóc nhà, vách tường, chum vại quanh làng...
Nghề gốm ở Thổ Hà phát triển rực rỡ từ thế kỉ 14. Đây là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ. Sản phẩm của làng nghề này đã có thời nổi danh khắp thiên hạ. Từ lúc có nghề gốm đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20, cả làng chỉ sống bằng nghề gốm.
Gốm Thổ Hà mang những nét đặc sắc riêng hiếm có: độ sành cao, không thấm nước, tiếng kêu như chuông, màu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp và gần gũi. Gốm có độ bền vĩnh cửu dù được chôn trong đất, ngâm trong nước. Làng chỉ làm đồ gốm gia dụng, những chum vại, tiểu sành, chĩnh chõ nổi tiếng một thời. Những mảnh gốm xưa còn sót lại trên các bức tường vẫn nguyên hình vẹn trạng, hồn gốm như còn đọng mãi.
Nhờ có nghề làm gốm mà cuộc sống của người dân trước đây hơn hẳn những nơi khác. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng, điếm bề thế uy nghi.
Đầu những năm 1990, cũng giống như bao làng nghề truyền thống khác, Thổ Hà rơi vào tình trạng sản phẩm làm ra không bán được và mai một dần. Không đứng vững được với nghề gốm, nhiều người dân trong làng chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh. Đến năm 1992, hầu hết nhà kho, xưởng gốm được thanh lý, nghề gốm Thổ Hà gần như mất hẳn sau gần sáu thế kỷ tồn tại. Giờ đây người ta nhắc tới Thổ Hà bằng cái tên mới: Làng làm bánh đa nem.
Thổ Hà - Quần thể kiến trúc cổ thuần Việt
Thổ Hà còn nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng, khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men. Đặc biệt nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế - một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.
Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và cổ kính, được làm từ đôi bàn tay của những nghệ nhân dân gian của làng, thể hiện sự thịnh vượng của nghề gốm xưa kia. Đây là một trong những chiếc cổng làng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu.
Cổng nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa hàng trăm năm tuổi, đây là những nét rất đặc trưng mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình cùng với những vòm cổng, những khu miếu thờ, từ chỉ, đình, chùa... Ngoài ra trong làng vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây trên 100 năm, tiêu biểu cho các ngôi nhà cổ thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, được xây dựng vào năm 1692, thời vua Lê Hy Tông. Đó là một công trình kiến trúc quy mô trên một khu đất rộng 3.000m2 với một nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Đình đã từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương. Ðình thờ Thành Hoàng là Lão Tử và tổ sư nghề gốm Ðào Trí Tiến. Đây là ngôi đình cổ thứ hai ở Bắc Giang (sau đình Lỗ Hạnh được xây dựng năm 1576).
Đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt với nét kiến trúc đặc trưng. Ðình có quy mô lớn, kết cấu kiến trúc tương đối hoàn chỉnh. Các mảng chạm khắc thể hiện phong cách thời Lê rõ nét, độc đáo. Ðề tài thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là “tứ linh, tứ quý” hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng và thiếu nữ...
Ngoài các cấu kiện kiến trúc cổ, hiện đình còn lưu giữ được chín tấm bia cổ. Qua những thư tịch cổ, bia đá cổ là những minh chứng cho sự cổ kính của ngôi đình này. Bởi vậy, không ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại xem đình Thổ Hà là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Năm 1962, đình Thổ Hà đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Chùa Thổ Hà có tên là “Đoan Minh Tự." Niên biểu chính thức của chùa chưa được tìm thấy. Căn cứ dòng chữ ghi trên đôi rồng đá ở cửa chùa thì năm Giáp Thân 1580 đời nhà Mạc mua rồng đá, năm Canh Thân 1610 chùa được tu sửa lại. Như vậy, chùa phải được xây dựng từ trước đó.
Chùa xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, có quy mô lớn, bao gồm cổng tam quan, gác chuông và tiền đường. Tam quan chùa nằm sát sau đình. Gác chuông và tiền đường được chạm trổ lộng lẫy với các đề tài rồng mây, hoa lá. Thời gian kháng chiến, quả chuông to trong gác chuông được lấy để đúc vũ khí. Trong chùa có tượng Phật tổ Như Lai to lớn và tượng Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen.
Từ tòa Tam Bảo theo hai dãy hành lang vào tới Động Tiên, là một công trình kiến trúc hiếm có. Động tiên đã ghi lại đầy đủ hình ảnh Thích Ca từ lúc mới sinh ra, lúc trưởng thành và khi lìa bỏ kinh thành vào động tu hành đến đắc đạo. Tiếp theo đi qua sân rộng tới nhà Tổ, nơi đây thờ Sư Tổ và các vị sư đã trụ trì chùa. Chùa Thổ Hà được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1996.
Văn chỉ làng Thổ Hà được xây dựng vào thế kỷ 17 (theo tấm bia còn lưu giữ thì được xây dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5, năm 1680) thờ Khổng Tử, Tứ Phối, 72 vị tiên hiền… Nơi đây được coi là cái nôi của nền học thức Thổ Hà. Đây cũng là địa điểm thu hút khá đông du khách đến tham quan, nhất là vào mùa thi cử, các sĩ tử đều đến đây thắp hương, lễ bái với tấm lòng thành kính. Văn chỉ làng Thổ Hà được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa ngày 28/2/1999.
Vẻ đẹp cổ kính ở những khu kiến trúc cổ, làng cổ cùng với những nghề thủ công truyền thống in đậm hồn quê Thổ Hà đã và đang tạo sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước, với những người nghiên cứu về kiến trúc và mỹ thuật, những nghệ sĩ và nghệ nhân đến tham quan và tìm cảm hứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.