(HNM) -Trong muôn vạn nghề buôn, người Thổ Tang đã để lại dấu chân trên khắp mọi miền nhờ nghề lái trâu. Hằng ngày trâu đổ về Thổ Tang tính bằng container để từ đây phân loại, con nào mạnh khỏe tiếp tục hành trình xuôi vạn lý đến những vùng đất khác, thậm chí ra nước ngoài.
Con nào yếu sau chặng đường dài thì đưa vào lò mổ ngay trong làng. Phiên chợ họp về đêm và nó đã tồn tại từ bao đời nay cứ như một nét văn hóa miền quê Bắc bộ.
Trong một lò mổ trâu ở Thổ Tang. |
Cả làng đi buôn
Chợ trâu làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thường họp từ 1giờ sáng, bất kể dù trời mưa hay ráo. Càng về những ngày cuối tháng những phiên chợ càng nhộn nhịp. Ngoài trâu ra, khoảnh đất rộng đầu làng được UBND xã cắm mốc sẵn: khu chuyên bán rau, khu chuyên hoa quả, khu mua bán trấu, rơm khô, nông sản từ các làng Đại Đồng, Tân Tiến, Thượng Trưng, Vĩnh Sơn, Cao Đại… quanh đó mang đến. Người làm thuê từ Sơn Tây, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bạch Hạc... cũng lục tục về đây họp chợ người.
Là điểm giao thoa giữa trung du và đồng bằng nên thật dễ hiểu từ khi lập làng đến nay, Thổ Tang luôn có một lợi thế lớn để phát triển kinh tế, để trở thành trung tâm bán buôn lớn nhất đồng bằng Bắc bộ. Ở Thổ Tang luôn tồn tại một quy luật bất thành văn, nếu chồng ở nhà thì vợ thường trực ngoài chợ và ngược lại. Trong nhà huy động con cái, ông bà… đến các chợ tận mạn ngược nghe ngóng thông tin để kịp thời có chiến lược buôn bán. Quanh năm suốt tháng, hiếm khi cả nhà gặp được nhau, muốn trao đổi gì thì í ới qua điện thoại. Tiếp xúc với nghề buôn từ tấm bé nên cũng dễ hiểu khi người Thổ Tang có một giác quan về nghề rất nhạy cảm, chỉ cần thấy hàng khô ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua đang khan lập tức có cú điện về để kịp đánh hàng. Rau thịt ở mạn ngược sốt, cũng chỉ một cú điện, vài tiếng sau hàng đã theo ô tô đến tận chợ. Nhà nào cũng có ô tô để vận chuyển hàng hóa. Trai làng, nhiều người có đến mấy chiếc điện thoại di động dắt lưng, chẳng phải để khoe mẽ mà công việc hằng ngày cần phải "a lô" nhiều. Điện thoại di động và ô tô tải là những phương tiện làm ăn không thể thiếu của người Thổ Tang. Trong cả nước, ở cấp xã và huyện nếu xét quy mô, tốc độ buôn bán ít có nơi nào bì được với Thổ Tang. Theo thống kê, hiện cả xã có tới 781 hộ buôn bán có vốn từ 200 - 300 triệu cho tới hàng tỷ đồng, trong số đó nhiều người đã thành lập được công ty và khoảng 1.500 hộ buôn bán nhỏ (vốn vài chục triệu đồng).
Thiên hạ gọi Thổ Tang là làng tiểu thương bởi số gia đình làm ruộng rất ít, người dân sống được nhờ nghề buôn bán. Trên 3.000 hộ của làng dắt nhau đi buôn khắp nước, ra cả nước ngoài. Chợ Thổ Tang là chợ lớn vùng bán sơn địa, họp quanh năm nhưng phiên 16 tháng chạp là đông vui nhất vì có lễ ông Đô (lợn lễ). Dân làng Thổ Tang làm quần quật quanh năm chỉ chờ đến ngày tuần tháng Chạp. Vào ngày này, ô tô con đậu kín trên những cánh đồng trơ gốc rạ. Các cụ trong làng bỏm bẻm nhai trầu khoe, đó là toàn xe của con cháu đất Thổ Tang về dự hội.
Xâm nhập lò mổ trâu lớn nhất miền Bắc
Lò mổ nhà ông Đông nằm ở cuối làng được coi là lớn nhất, mỗi ngày xả thịt cỡ 10 con trâu mộng. Cánh thợ và chủ nhà chợp mắt từ lúc ti vi hết bản tin thời sự để đến 11h đêm lục tục gọi nhau dậy chuẩn bị tay dao tay thớt cho một ngày làm việc. Trong khoảnh sân rộng đèn điện sáng choang, gần chục con trâu mắt đỏ lòm, lặng lẽ cúi đầu khua móng lộp cộp trong góc sân hẹp. Trời rét căm căm, ông chủ lò mổ tuổi xấp xỉ lục tuần vận bộ quần áo phong phanh đứng chỉ đạo 6 - 7 tay dao lăm lăm sẵn sàng. Cứ như một nghi thức tâm linh đã được định trước, bao giờ cũng là ông chủ Đông cầm thừng dắt mũi lôi con trâu mộng ra giữa sân. Ông cẩn trọng luồn sợi thừng to như nắm đấm trẻ con vào chiếc khoen đã được chôn sẵn ngay một miệng hố. Con trâu bị kéo ghì mõm xuống sát đất nằm chịu trận để một đồ tể phang cây búa tạ hạ gục. Gần chục con trâu phải chịu hành quyết như thế… Phụ nữ ùa đến làm công việc mổ thịt và phân loại. Thịt trâu được lọc ra phần thăn phi lê, bắp, vai được bán với các giá khác nhau. Khi cánh thợ làm xong công việc, cũng vừa lúc nghe vẳng tiếng xe máy từ Hà Nội và các nơi khác đổ về ăn hàng.
Chẳng phải đến bây giờ mà từ những năm 1930, làng Thổ Tang đã nổi tiếng với nghề buôn trâu khắp miền Bắc. Hình ảnh bác lái trâu xa nhà đẵng đằng hàng tháng đủng đỉnh trong mỗi buổi chợ phiên mạn ngược gắn liền với con người Thổ Tang. Lái trâu vất vả vì phải lặn lội nhưng được cái thỏa chí tang bồng. Là nghề có lãi lớn nên đã không ít người Thổ Tang phất lên nhờ buôn trâu.
Chợ trâu là phiên chợ đặc biệt nhất làng Thổ Tang, có thể họp từ sáng sớm, đến cả ngày tùy thuộc vào những chuyến xe trâu đổ về làng lúc nào. Gọi là chợ, nhưng thực ra đó là điểm tập kết trâu ở bất cứ bãi rộng nào trong làng, họp một loáng đã thấy tan vì không cần người làng phải đi tiếp thị món thịt trâu, từ tinh mơ cả làng Thổ Tang đã ồn ã tiếng xe máy vào "ăn hàng". Không gian ban sớm của cả làng quyện đặc tiếng máy nổ và những súc thịt trâu được chất lên xe máy theo chân cánh thồ hàng thuê đổ đi muôn nơi.
* * *
Hết một phiên chợ đêm, chúng tôi theo chân dòng xe Minkhơ chở thịt trâu xuôi về Hà Nội. Xe chạy quanh làng, dừng lại ở một số lò mổ để lấy thêm hàng rồi lại lên đường. Về đến phố trời đã chạng vạng sáng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.