(HNM) - Không có ai đỗ đạt, không nhiều người biết chữ Hán hay chữ Nôm nhưng từ thế kỷ XIX, hơn nửa làng Phú Đôi ra phố Hàng Gai cất sách rồi quảy bồ đi bán khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Làng Phú Đôi (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên) không phải là làng lớn, xưa rất ít ruộng. Thời trước, làng không có ai đỗ đạt, số người biết chữ Hán, chữ Nôm không nhiều, thế nhưng có điều lạ là đình cũ của làng có đài nghiên, tháp bút. Trò chuyện với các ông Lã Văn Sâm, Trần Mạnh Tưởng, Trần Văn Soạn và Vũ Văn Sơn - lớp cuối cùng của Phú Đôi theo nghề buôn chữ thì các ông nhớ nhiều đến giai đoạn đi mua sách, còn giai đoạn dân làng đi bán sách thì lờ mờ và các ông không biết ai là người đầu tiên khởi xướng nghề này...
Thế hệ “buôn chữ” cuối cùng của làng Phú Đôi. |
Cuối thế kỷ XIX, nghề in chữ Hán, chữ Nôm trên bản khắc gỗ chuyển dần từ phường Hàng Trống, Tố Tịch về phường Cổ Vũ (nay là phố Hàng Gai). Phường có 6 nhà in kiêm bán sách do họ in ra nhưng lớn và uy tín nhất thì có hai nhà in của người họ Trần. Xâu chuỗi những tư liệu rời rạc trong lịch sử thì có thể người đầu tiên ở Phú Đôi đi bán sách là người họ Trần. Người này ra Hàng Gai làm công cho một trong hai nhà in họ Trần và trong thời gian làm công ở đây, ông này đã học được nhiều điều hay từ: "Lưu tử nhất quỹ ngọc/Bất như nhất quỹ thư/Thư trung tự hữu ngọc" (dịch nghĩa: Để lại cho con hòm ngọc/Không bằng để cho con hòm sách/Trong sách có ngọc).
Và chắc ông này cũng dễ dàng nhận ra đến mua sách chủ yếu là người có học ở Hà Nội hoặc sĩ tử về dự các kỳ thi Hương khi các kỳ thi này còn tổ chức ở đất kinh kỳ. Sách "Hà Nội xưa" viết: "Cuối thế kỷ XIX, nhà buôn các tỉnh cũng hiếm khi về đây cất sách", có lẽ vì thế mà người họ Trần ở Phú Đôi đã nhìn thấy nạn thiếu sách ở các vùng quê ham học và dù không có tầm nhìn xa là khai thông thương mại nhưng nhãn tiền là có thể kiếm ăn được. Cũng sách "Hà Nội xưa" viết: "Sau khi gặt hái xong là cánh đàn ông trong làng quảy đôi bồ không lên vai ra phố Hàng Gai cất sách. Người có vốn thì trả ngay còn người ít vốn thì mang đồ đồng gồm nồi, chậu thau ra đặt, coi như đặt vốn để chủ cửa hàng sách tin tưởng. Tuy nhiên thì các nhà in sách cũng không tính lãi. Đến cuối năm bạn hàng trả lại vốn thì lại mang đồ đồng về. Giá sách rất rẻ, nhất là sách học chữ. Truyện thì cứ tính 7 hào 1.000 tờ. Do không biết chữ nên người cất sách xong nhờ con chủ nhà in viết cho cái danh mục và trong quá trình giao sách chủ nhà in tóm tắt qua nội dung và thế là họ nhập tâm để truyền đạt lại nội dung cho người mua sách. Thời đó không gọi là bán sách mà gọi là phường đổi. Ban đầu chỉ có đàn ông, sau thì đàn bà cũng theo". Sách họ cất gồm nhiều loại. Truyện dân gian như: "Lý Công - Phương Hoa, Phạm Công - Cúc Hoa", "Thạch Sanh", "Lưu Bình - Dương Lễ", "Bướm hoa", "Trê cóc" rồi thơ, chèo... Truyện gốc nước ngoài có "Nhị độ mai", "Hoa tiên", "Phan Trần"... Các bản văn có "Chinh phụ ngâm", "Cung oán", "Đồng tiền", "Bần nữ thán"... Riêng Kiều thì có rất nhiều bản: "Kim Vân Kiều", "Đoạn trường tân thanh", "Kiều tự", "Tân truyện", "Kiều truyện", "Kiều lục", "Kiều thơ", "Kiều phú"... Để bồ sách thêm phong phú, họ lên Hàng Ngang, Hàng Đường cất thêm ít sách Tàu vì ở các phố này có ba, bốn thương nhân Hoa kiều bán tạp hóa, trong đó có cả sách. Sách mới rất ít, chủ yếu là sách cũ in đi in lại: "Tam quốc diễn nghĩa", "Thủy hử", "Đông chu liệt quốc", "Liêu trai", "Hồng lâu mộng", "Thanh lâu mộng" hay các truyện tình như: "Lan đình", "Bách tự minh". Sách đạo đức có: "Nhị thập tứ hiếu" dạy con trẻ, sách thuốc có "Phùng Thị", "Cảnh nhạc", "Ngưu kinh", "Mã kinh" rồi "Lịch vạn sử", "Cổ văn", "Đường thi". Khoảng những năm 1910-1911 có thêm "Bông lai bác nghị" và "Ẩm băng" của phái cải lương. Chưa hết, nếu có ai đặt sách cũ họ lại ra Hàng Quạt kiếm tìm ở mấy tiệm sách cũ. Sau khi cảm thấy đủ họ bắt đầu lên đường. Xác định lấy công làm lãi nên họ không dám đi xe ngựa mà gánh bộ, mệt thì nghỉ, đói thì giở cơm nắm ra ăn, tối thì ngủ nhờ, sáng dậy sớm nấu cơm ăn, vắt cơm xong lại lên đường. Tuy nhiên, sách chỉ dành cho người biết chữ vì thế địa chỉ đầu tiên phường đổi nhắm đến là thầy đồ và người biết chữ. Nếu trước đó đã đến rồi thì phường đổi chỉ giới thiệu sách mới còn đến lần đầu thì đưa cho họ danh mục để chọn.
Không chỉ đến các làng đồng bằng, họ lên cả trung du và miền núi phía Bắc. Có nhóm vào đất học Thanh - Nghệ, nhóm khác vào tận Huế và Nam Trung bộ. Thầy đồ các làng luôn mong chờ phường đổi đến vì các sách cũ đọc hết rồi nên họ muốn được đọc sách mới. Phường đổi đưa danh mục cho họ xem trước và tóm tắt qua nội dung những cuốn mới rồi thêm thắt cho sinh động. Nếu ai đồng ý mua thì họ mới lấy sách ra. Giá sách cũng không quá cao và người bán tính toán sao cho có lãi là được. Nhưng không phải ai cũng có tiền, có người biết chữ, thích đọc lại không sẵn tiền có thể mang sách cũ ra đổi hay mang giấy đã viết rồi xếp bằng với chiều ngang và chiều cao cũng đổi được sách mới. Có khi dân phường đổi thấy nhà có trẻ ham đọc nhưng không có tiền, cũng không có sách cũ thì chấp nhận đổi lấy thóc. Gánh thêm thóc tuy nặng hơn nhưng họ vẫn vui vẻ để có mối bán cho chuyến sau.
Bán hết sách thì lại về cất chuyến mới đồng thời cũng đem yêu cầu của khách hàng tìm kiếm những cuốn họ muốn. Để khỏi lỡ chuyến hàng, họ gửi chỗ giấy cũ lại nhà in ở Hàng Gai và sau khi thu được nhiều thì mang bán lại cho các phường làm giấy ở Hà Nội để họ tái chế. Cũng có khi bán cho dân đúc đồng Ngũ Xã, để phường đúc nhào lẫn với đất làm khuôn.
Và mua sách
Dưới chế độ phong kiến, học chữ Hán (hay còn gọi là chữ Nho) là để đi thi và thi đậu sẽ được bổ làm quan. Đỗ đạt ở kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình không chỉ vinh dự cho gia đình mà còn vinh dự cho làng, cho tổng. Nhưng kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc kỳ là năm 1915 - và ở Trung kỳ năm 1918 - là hồi kết cho sĩ tử Nho học. Truyện, thơ, báo đều dùng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp đã là môn học bắt buộc đối với học sinh nên chữ Nho càng thất thế. Nhưng vì số người biết chữ Hán chữ Nôm ở các vùng quê vẫn nhiều, thói quen tích tụ bao đời không dễ bỏ nên chữ Nho vẫn là chữ thánh hiền và học chữ Nho cũng là học đạo làm người. Ở quê cũng không có điều kiện để học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp nên một số nhà in vẫn tiếp tục in sách chữ Hán, chữ Nôm, một số nhà in khác thức thời hơn in "song ngữ", bên trên là chữ Nôm, dưới in chữ Quốc ngữ. Còn nhà in chữ Hán, chữ Nôm, còn người đọc thì vẫn còn người Phú Đôi đi bán sách, thế nhưng số lượng giảm dần và đến đầu những năm 1930 họ không đi bán sách mà đi mua sách chữ Hán, chữ Nôm. Ông Lã Văn Sâm kể, cụ thân sinh ông là Lã Văn Lâm, không chỉ đi bán sách, mua sách từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Đoài mà còn mở một hiệu sách ở Quảng Nam. Dù chữ Hán, chữ Nôm đã suy vi, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ thống trị báo chí và văn chương nhưng người xứ Quảng vốn ham học và thích tìm tinh hoa trong các cuốn sách cũ. Sách quý, sách hay được gửi từ Phú Đôi vào. Năm 1952, chiến tranh khiến việc đi lại khó khăn nên ông đành bỏ hiệu sách về quê.
Trước năm 1954, vì còn nhỏ nên ông Trần Mạnh Tưởng không đi mua sách, nhưng đầu những năm 1960 cùng với thanh niên họ Lã, họ Vũ, họ Trần ông bắt đầu theo nghề. Tuyến nào có ô tô khách thì đi ô tô, song phần lớn là cuốc bộ. Cũng giống như đi bán sách, người mua phải tìm đến người biết chữ Hán, chữ Nôm để làm quen, thuyết phục. Ông Trần Văn Soạn bảo có nhà vì túng nên phải bán sách ông cha để lại, cầm tiền xong khóc rưng rức. Còn ông Sâm kể, có nhà không bảo quản được nên mối mọt hoặc thấy không còn cần thiết "vì để cũng không ai biết chữ mà đọc" nên bán. Sách rách, mối mọt thì mua cân còn sách lành lặn nguyên gáy và bìa thì hai bên thỏa thuận. Ông Sâm khoe có lần ở Phú Thọ, ông mua được mấy gánh sách của một gia đình họ Mạc, có những cuốn in từ thế kỷ XVIII. Mua rồi gánh sách về làng nhờ người biết chữ Hán phân loại, sách thuốc mang bán cho các ông lang, sách liên quan đến lịch sử mang ra Hà Nội bán cho Viện Sử hay Viện Khảo cổ, sách văn chương bán cho Thư viện Quốc gia. Có lần đi mua sách bị chính quyền địa phương nghi là gián điệp, ông Sâm bị dân quân bắt và ông đã phải nhờ Thư viện Quốc gia cấp cho cái giấy mới được tha.
Ông Vũ Văn Sơn, năm nay 65 tuổi, kể: Năm 1975 phục viên về làng ông lại đi mua sách, đến năm 1976 vì nguồn sách trong dân không còn nhiều nên ông mới thôi, chấm dứt nghề bán và mua sách tồn tại gần 100 năm ở Phú Đôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.