Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng bánh chưng Tranh Khúc

Phạm Nga| 12/02/2015 06:16

(HNM) - Những ngày cuối năm, nhà nào cũng tất bật. Bánh chưng Tranh Khúc có vị đặc trưng với sự hòa quyện bởi vị ngọt của đỗ xanh, vị ngậy của thịt, mùi thơm của gạo nếp và lá dong.


Tất bật dịp cuối năm

Về làng Tranh Khúc dịp cuối năm nhà nào cũng thấy lá dong, gạo nếp cái hoa vàng, thịt lợn... Buổi chiều, khắp làng thơm phức mùi bánh. Khói bếp lãng đãng trong mưa phùn. Mới giữa tháng Chạp mà người xe đã tấp nập vào ra nhộn nhịp như Tết đã đến rất gần.

Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Hiệp tất bật làm bánh.


Bánh chưng của làng Tranh Khúc có mặt ở khắp nơi, từ Hà Nội cho đến TP Hồ Chí Minh. Dịp Tết này bánh chưng Tranh Khúc còn ra nước ngoài, phục vụ bà con kiều bào đón Tết. Người Tranh Khúc làm bánh chưng quanh năm, không bán lẻ mà giao cho các cửa hàng, siêu thị. Dịp Tết, nhu cầu của thị trường tăng cao. Nhà nhà đua nhau làm bánh, thời điểm cận Tết nhà nào cũng bận tối mặt tối mũi. Nếu ngày thường mỗi nhà chỉ làm 50-100 cái theo đơn đặt hàng thì dịp này tăng số lượng lên gấp 5, nhiều nhà cho ra lò gần 1.000 chiếc bánh mỗi ngày. Không khí trong làng sôi động, tấp nập.

Vợ chồng con cái nhà ông Nguyễn Văn Quân (59 tuổi) luôn tay luôn chân chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Người thái thịt, người lau chùi lá dong. Vài người làm công thì hì hụi xếp bánh vào nồi. Ông Quân cho biết: "Một năm gia đình tôi làm từ 8.000 đến 10.000 bánh. Những ngày này, cả nhà lao vào việc từ sáng sớm đến đêm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Năm nào nhà ông cũng phải thuê ô tô để chở hàng đi giao thay vì xe máy như ngày thường".

Anh Nguyễn Hồng Hiệp (35 tuổi) sau khi chở hàng giao cho các đại lý lớn ở Hà Nội về, ăn vội bát cơm lại sà xuống mâm gói bánh cùng vợ. Anh Hiệp cho biết: "Dịp này hằng năm là "mùa" làm bánh chưng của người dân trong làng. Mỗi ngày gia đình tôi gói từ 1.000 đến 2.000 bánh. Luôn tay luôn chân, phải thức đến 2h sáng. 4 rưỡi - 5h đã phải dậy đi giao hàng mới kịp". Dù đã dự trữ khá nhiều lá dong nhưng anh Hiệp vẫn lo không đủ làm bánh vì nhiều năm liền anh phải "vay" thêm của hàng xóm. Ngày bình thường, các hộ trong làng chủ yếu tự làm. Tuy nhiên, dịp Tết hầu như nhà nào cũng phải thuê nhân công từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc... Nhà ông Quân năm nào cũng phải thuê 15-20 lao động.

Năm 1971, một số hộ dân của làng Tranh Khúc di cư đi tránh lũ và lập nên Xóm Mới. Người dân khi di tản sang đây vẫn giữ nghề truyền thống của làng. Nhà bà Nguyễn Thị Yên (53 tuổi) làm đến cả nghìn bánh mỗi ngày. Các con, cháu của bà Yên đều là công chức nhà nước và sinh viên đại học, tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật về giúp đỡ bố mẹ. Cụ Bùi Thị Tỵ dù sức đã yếu, mắt đã mờ nhưng vẫn cắm cúi lau chùi lá dong giúp đỡ các con. Cụ Tỵ năm nay đã 94 tuổi, bảo rằng: "Chẳng biết làng nghề này có bao giờ. Từ khi sinh ra tôi đã thấy bố mẹ làm bánh chưng đi bán. Bố mẹ tôi chỉ bán vào những ngày thường thôi. Trước đây các cụ "buôn thúng, bán mẹt". Nay càng có nhiều người mua bánh chưng ngày Tết nên công việc tăng lên gấp nhiều lần mà cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Ở Tranh Khúc bây giờ ai cũng biết gói bánh chưng. Trẻ con 7, 8 tuổi thì phụ giúp gia đình cắt, rửa và xếp lá dong. Thanh niên tầm 15, 16 tuổi đã biết gói bánh chưng đi bán. Chị Nguyễn Lệ Thắm (34 tuổi) cho biết: Chị biết gói bánh chưng từ năm 11, 12 tuổi. Cứ nhìn bố mẹ làm rồi bắt chước làm theo, làm mãi thành quen chứ chẳng ai dạy. Các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu được phân công đã đến mức chuyên nghiệp, người rửa lá, xếp lá, người đồ đỗ xanh, đánh nhuyễn đỗ, người chế biến, pha thịt lợn. Chị Thắm cho biết thêm, bánh chưng Tranh Khúc ngày càng có tiếng vì nhà nào cũng tuân thủ nguyên tắc chất lượng, tất cả nguyên liệu đều tươi và sạch sẽ.

Làm giàu nhờ bánh chưng xanh

Phần lớn gia đình làm nghề bánh chưng ở Tranh Khúc đều ổn định kinh tế. Ở đây, nhà cao tầng mọc lên san sát. Những con đường nhựa rộng rãi trải rộng chạy khắp làng quê.

Cụ Bùi Thị Tỵ phụ giúp con cháu lau lá dong gói bánh.


Theo ông Nguyễn Văn Quân, bí quyết làm bánh chưng của làng không có gì đặc biệt, cũng từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, để làm bánh chưng ngon phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Đặc trưng của bánh chưng Tranh Khúc là gói bánh 8 góc. Người dân gói bánh bằng tay nhưng chiếc bánh vẫn vuông vắn, sắc cạnh và đều tăm tắp. Người làng Tranh Khúc thường chọn gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu, còn đậu xanh, trước đây khi chưa có đậu vỡ sẵn, dân làng thường chọn loại đậu hạt tiêu, sẫm màu thơm và ngậy. Thịt lợn mua ngay tại các lò mổ. Bánh chưng Tranh Khúc xưa luộc theo phương thức truyền thống bằng bếp củi và bếp than, nay nhiều gia đình đã sử dụng bếp điện, thuận tiện hơn. Bánh được luộc 6-10 tiếng, cứ cuối buổi chiều các hộ bắc bếp nổi lửa, gần sáng bánh được vớt ráo nước, ép, rồi mang đi khắp nơi.

Bà Nguyễn Thị Loan (50 tuổi) có một ngôi nhà 2 tầng nằm ngay giữa làng. Trước đây, vợ chồng chị rất khó khăn nhưng chăm chỉ, chịu khó tiếp nối nghề truyền thống của ông cha nên vợ chồng chị đã nuôi được các con lớn khôn, thành đạt, xây được nhà. Chị Loan cho biết, nghề này tuy vất vả, luôn tay luôn chân bận rộn nhưng cho thu nhập ổn định. Dân trong làng không phải bôn ba lo việc đây đó hay chân lấm tay bùn như nghề làm ruộng. Cũng giống như: nhà bà Loan, ônh Bùi Đắc Đàn, một người dân di cư từ Tranh Khúc sang Xóm Mới cho biết: Bánh chưng có giá dao động từ 30 đến 70 nghìn đồng/cái. Dù làm ít nhưng nghề làm bánh chưng cũng giúp cho gia đình anh có cuộc sống ổn định, khấm khá. Đặc biệt, ở Tranh Khúc có nhiều hộ làm bánh với số lượng lớn, gia đình nhà bà Nguyễn Thị Yên một năm làm đến 2 vạn bánh, thu nhập riêng dịp Tết lên đến hàng chục triệu đồng.

Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nghề làm bánh chưng của làng Tranh Khúc còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công đến từ các tỉnh, với thu nhập khoảng 200-500 nghìn đồng/người/ngày. Ông Nguyễn Đăng Ngữ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Khúc (gồm làng Tranh Khúc và Văn Yên) cho biết, Tranh Khúc có tới 215 hộ làm nghề này, chiếm 70% dân số của làng. Bình quân thu nhập của người dân trong làng nhờ nghề bánh chưng là 3,9 triệu đồng/người/tháng và đây là nguồn thu nhập chính. Ông Ngữ cho biết thêm: "Hiện nay, Tranh Khúc đã được UBND thành phố Hà Nội cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống làm bánh chưng. Chính quyền địa phương đang định hướng kết hợp tuyến du lịch sông Hồng với làng nghề nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc"

Năm nay, bánh chưng Tranh Khúc lại đắt khách, lại đi khắp các vùng miền, đem lại thu nhập cao cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng bánh chưng Tranh Khúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.