(HNMO)- Bắc Cầu là một làng nhỏ nằm ven sông Hồng. Sở dĩ có tên gọi “Bắc Cầu” vì làng nằm ở phía Bắc (mạn trên, về phía Bắc) cầu Long Biên. Làng xưa có ba xóm (sau phát triển thành ba thôn là Thượng, Trung, Hạ).
(HNMO)- Bắc Cầu là một làng nhỏ nằm ven sông Hồng. Sở dĩ có tên gọi “Bắc Cầu” vì làng nằm ở phía Bắc (mạn trên, về phía Bắc) cầu Long Biên. Làng xưa có ba xóm (sau phát triển thành ba thôn là Thượng, Trung, Hạ). Đầu thế kỷ XIX, Bắc Cầu thuộc xã Đông Ngàn, tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh).
Đầu kháng chiến chống Pháp, Bắc Cầu nhập với các làng : Gia Thượng, Bắc Biên, Yên Tân, Gia Quất, Trung Hà thành xã Ngọc Thụy, khu Ngọc Thụy (như một huyện, song vừa phụ thuộc tỉnh Bắc Ninh, vừa trực tiếp nhận lệnh từ Mặt trận Hà Nội), sau đó đổi thành Đặc khu Ngọc Thụy thuộc tỉnh Hưng Yên. Đến năm 1949, Đặc khu này nhập với huyện Gia Lâm và trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Hòa bình lập lại, xã Ngọc Thụy được chuyển về quận VIII, ngoại thành Hà Nội. Đến tháng 6 năm 1961, xã Ngọc Thụy được chuyển về huyện Gia Lâm. Tháng 11 năm 2003, xã Ngọc Thụy được chuyển thành một phường của quận Long Biên mới được thành lập. Nay các xóm Bắc Cầu Thượng, Trung, Hạ là các cụm dân cư 36, 37, 38 (Bắc Cầu 3, Bắc Cầu 2 và Bắc Cầu 1) của phường Ngọc Thụy.
Bắc Cầu nằm ven ven sông Hồng. Trong quan niệm của dân làng, sông là nguồn nước lưu thủy, dẫn phúc về cho làng, đem lại cho làng một vị thế quan trọng và một cảnh quan đẹp. Bài Minh trên quả chuông chùa Bắc Cầu 3 (soạn năm Chính Hòa 19 - 1698) khẳng định, làng và chùa làng có “địa hình đẹp đẽ, cảnh vật rực rỡ, tốt tươi. Đế trạch (đất vua) đối diện đằng trước; đất chúa trú ngụ vạn xóm thôn; sông Thiên Đức uốn khúc mé sau, thuyền bè đưa chở người qua bến. Bên trái nối long cung tráng lệ, bên phải liền hổ huyệt cao vời. Quả đúng là nơi thiền bậc nhất ở chốn Kinh Bắc”. Sông còn đem lại nguồn phù sa màu mỡ cho vùng đất bãi, nhờ đó, mặc dù hầu như không có ruộng, nhưng dân làng vẫn sống ổn định bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng các loại hoa màu trên đất bãi; đánh cá, vớt củi trên sông Hồng. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, sông thường đem lại những tai họa lụt lội, trôi nhà cửa, hoa màu, bệnh tật, nên xưa kia, làng xóm rất ẩm thấp, đời sống dân làng rất khổ.
Cuối thế kỷ XVII, làng Bắc Cầu gắn với tên tuổi của vị Tiến sĩ tài ba Ngô Sách Tuân (1648 - 1697). Ông người làng Tam Sơn (nay thuộc xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị đời Vua Lê Hy Tông (năm 1676). Ông không chỉ có công lao trấn ải vùng biên giới Cao Bằng, dẹp tan các toán phỉ ở biên kia biên giới mà còn có nhiều công lao xây dựng, mở mang các làng xã ven Thăng Long. Theo lưu truyền dân gian ở làng Tam Sơn và làng Bắc Cầu, thì có lần, khi đi công vụ qua làng Bắc Cầu, thấy dân làng bị đói, dịch bệnh hoành hành, Ngô Sách Tuân đã bỏ tiền để mua gạo chia cho những người bị đói và mua thuốc để trị dịch cho dân làng. Nhờ đó dân làng qua được cơn đói và bệnh. Ngô Sách Tuân lại cho tiền để dân làng xây lại cổng làng. Về sau dân làng làm ăn khấm khá dần lên. Nhớ công ơn của Ngô Sách Tuân, dân làng tôn ông làm Hậu thần, hàng năm đều làm giỗ ông và đến ngày hội làng đều mời ông về phối hưởng. Con cháu họ Ngô Sách làng Tam Sơn vào những dịp đó đều được dân làng Bắc Cầu mời dự.
Trước đây, cả ba thôn của làng Bắc Cầu đều có đình, nhưng nay chỉ còn đình ở thôn Thượng (Bắc Cầu 3) thờ Linh Lang đại vương - con trai Vua Lý Thánh Tông, có công trong việc tổ chức phòng tuyến công Cầu chống quân xâm lược Tống (năm 1077).
Làng Bắc Cầu hiện còn hai ngôi chùa. Một ở tổ 37 cụm Bắc Cầu 2, có tên chữ là Long Đọi tự, hướng Nam, trông ra sông Hồng. Chùa mới được tu bổ vào năm Quý Mùi niên hiệu Bảo Đại (năm 1943), song trong chùa còn lưu quả chuông đúc năm Thiệu Trị thứ tư (năm 1844) và có nhiều bức tượng được tạo theo phong cách tượng của thế kỷ XVIII. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ của huyện Gia Lâm.
Ngôi chùa thứ hai ở tổ 36 cụm Bắc Cầu 3, có tên chữ là Thuận Lợi tự, trước đó còn có tên là chùa Đông Cầu Trung. Đây là ngôi chùa được dựng từ khá sớm. Bài Minh trên quả chuông đúc năm Chính Hòa thứ 19 (năm 1698) cho biết, vào thời điểm này đã tiến hành tu bổ Thượng điện, Tiền đường, đắp thêm nhiều tượng, đúc chuông.
Từ một làng quê ven sông ẩm thấp, lầy lội, ngày nay Bắc Cầu đang được đô thị hóa với đường nhựa cao ráo, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Đời sống dân làng được cải thiện nhờ trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính