(HNMCT) - Nhà thơ nữ Ba Lan W. Szymborska (Noben văn chương 1986) là người có nhiều bài thơ độc đáo. “Ba từ kỳ lạ nhất” là một trong những bài thơ độc đáo ấy. Bài thơ chỉ có 8 câu, trong đó có hai câu mở đầu: “Khi tôi phát âm từ tương lai/ Âm tiết đầu tiên đã vào quá khứ”.
Nêu thế để thấy: Cái đã qua luôn lấn lướt cái hiện tại và cái đã qua chiếm một tỷ lệ lớn đến thế nào trong khoảng thời gian sống của mỗi người nói chung. Ngay cả khi vừa phát âm thôi, trong chốc lát, nó đã thuộc về quá khứ.
Tôi đã đọc “Chạm vào nỗi nhớ” của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh. Rất tự nhiên, tôi nhớ đến “Ba từ kỳ lạ nhất”. Bởi vì, “Chạm vào nỗi nhớ” như là một thứ ánh sáng nặng chất hồi quang của Nguyễn Vũ Quỳnh. Đấy là những chuyện ám ảnh của ngày ấy, của thời xa xưa ấy, khuất lấp và không thể nào quên, mang theo như máu thịt cả một thời gian dài, mà đến bây giờ, ông mới kể, ông mới nói... Và ông giống như một người đứng trên vai người khổng lồ quá khứ để nói với hiện tại và tương lai.
Đó cũng là sự ngoái nhìn chiến tranh với nỗi đau của người trong cuộc, của người cầm súng trước những mất mát, hy sinh to lớn.
Vì lẽ ấy mà trong “Đồng đội của tôi ơi!”, ngay trước khoảnh khắc vào trận, ông viết: “Cả tám thằng đồng loạt giơ tay/ Vào trận đánh có đứa còn đứa mất/ Thằng sống phải đưa thằng chết về chôn cất/ Không để bạn nơi đất khách quê người...”.
Vì lẽ ấy mà trong “Cần Lê ngày trở về” - mảnh đất chiến trường xưa, nơi có hai nghìn đồng đội hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, ông viết: “Đâu đây tiếng súng một thời/ Bước chân ngày ấy động trời Cần Lê/ Nuốt nỗi đau đến tái tê/ Nhớ ngàn đồng đội không về mà thương”; hay: “Bóng cây mặc niệm với người năm xưa”.
Vì lẽ ấy mà trong “Chuyện bây giờ mới kể”, chứng kiến nỗi bất hạnh như là hậu quả của chiến tranh để lại của những nữ đồng đội, ông viết: “Em trở về, nhiều đứa lính phòng không/ Nhiều đứa chung số phận bến không chồng”.
Rồi, cũng có thể vì thế mà có lúc, ông cảm thấy nỗi cô đơn cũng rất tự thân của một thân phận trước nhiều thân phận. Có một mảng quá khứ nào đó gõ cửa và nỗi một mình trong ông bừng thức: “Lẫn trong khoảng lặng xa xôi/ Chỉ trời đất biết riêng tôi một mình”.
Người đủ sức cô đơn đã đáng nể. Người đủ sức một mình còn đáng nể hơn. Nỗi một mình ấy, nỗi cô đơn ấy như làm nên sức mạnh đáng kể của sự sáng tạo.
Tất nhiên, trong “Chạm vào nỗi nhớ” không chỉ có thế! Mảng thơ viết về tình yêu mang chất “chuyện bây giờ mới kể” cũng rất đáng nhớ. Nhiều câu thơ thật hay đã đưa người đọc về với khung trời yêu đương. Có thể nêu nhiều dẫn chứng sống động: “Những mảng chiều tà áo bay bay” ("Nơi cất giữ tình yêu"); “Ra đi gói cả bồn chồn mang theo” ("Ta về nơi tiếng nhà quê"); “Và chúng mình như lạc vào nhau.../ Hương thiếu nữ thơm trong chiều bối rối” ("Duyên nợ tháng ba"); “Bỗng dưng lại nhớ người ta/ Bờ quê ngày ấy thật thà cỏ may” ("Một chút chiều bâng khuâng"); “Che em... chưa thể/ thôi đành/ Khoảnh khắc ấy/ tự nhiên thành dấu yêu” ("Em và cơn mưa"); “Bây giờ không rượu/ mà say/ Bỗng nhiên về lại/ những ngày của nhau” ("Vô đề 3"); “Thời gian/ ở đâu nhỉ/ Để chúng mình/ ngày xưa...” ("Ngẩn ngơ")...
Bên cạnh tình yêu đôi lứa, bao trùm lên đấy là tình yêu quê hương. Có vẻ như Nguyễn Vũ Quỳnh vẫn tin quá khứ mãi còn nâng vực ông đến suốt cuộc đời và ông có vẻ yên tâm về điều này. Không thế sao ông lại hạ bút: “Kiếp này dẫu có lang thang/ Thì ta vẫn có một làng tuổi thơ” ("Một chút chiều bâng khuâng").
Và có một đức tin về những giá trị truyền thống luôn là chỗ dựa tinh thần trong thơ của Nguyễn Vũ Quỳnh. Không thế sao ông lại hạ bút: “Như còn hơi ấm bàn tay/ Lần trong muối mặn gừng cay tìm về” ("Nhặt lại ngày xưa").
Sau chót, tôi có thể khẳng định thêm: Nguyễn Vũ Quỳnh là người có sở trường viết thơ lục bát. Nhiều câu thơ trên sáu dưới tám của ông luôn hanh thông, đưa đẩy, đằm thắm và sâu sắc. Bạn đọc có thể thực chứng bằng những dẫn chứng ngay trong bài viết này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.