(HNMCT) - Bộ Y tế và UNICEF Việt Nam (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) mới đây đã phát động chiến dịch “Lòng tốt dễ lây” trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông xã hội. Chiến dịch hướng tới đối tượng chính là thanh, thiếu niên, và với thông điệp đồng cảm, chia sẻ và lan tỏa yêu thương để lòng tốt được nhân rộng trong cộng đồng, có thể thấy đây là một chiến dịch rất ý nghĩa.
Một thông tin khác trên báo chí cũng thu hút sự quan tâm của dư luận: Đến nay đã có 50 người đề nghị hiến một phần phổi để ghép cho phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, ca nặng nhất trong số bệnh nhân mắc Covid-19 ở Việt Nam. Những người mong muốn hiến tạng ở độ tuổi từ 21 đến 71, là bác sĩ, điều dưỡng viên, nhà báo, cựu chiến binh…
Hai thông tin trên có chung một “từ khóa” là “lòng tốt”. Một bên kêu gọi thức tỉnh lòng tốt trong mỗi người, lan tỏa và nhân rộng, còn một bên thì mong muốn thể hiện lòng tốt, chia sẻ với người gặp nạn…
“Lòng tốt” hiểu theo nghĩa rộng là một chuẩn mực đạo đức, một giá trị tốt đẹp và nhân văn, biểu hiện cụ thể qua lối sống lương thiện, ứng xử tử tế của con người với con người, với cộng đồng và với cả thiên nhiên.
Như sách xưa viết: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, mỗi người khi lọt lòng mẹ đã có bản tính lương thiện. Tiếc là do ngoại cảnh - môi trường (gia đình, nhà trường, xã hội) tác động mà không phải ai lớn lên cũng giữ được cái bản tính tốt đẹp ấy.
Trong cuộc sống hằng ngày, dễ thấy nhiều người đã đánh mất bản tính lương thiện. Không chỉ là những kẻ bất lương, tội phạm giết người, cướp của hay hành xử bạo lực, mà cái xấu còn biểu hiện qua hành vi không tử tế như phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, vượt đèn đỏ…, bất chấp kỷ cương pháp luật, tính mạng người khác và sự an nguy của cộng đồng, hay ứng xử kém văn minh như nói tục, khạc nhổ, vứt rác nơi công cộng…, bất chấp trật tự đô thị và truyền thống thanh lịch nơi mình sinh sống.
Trong sản xuất kinh doanh, không ít người nhiễm thói làm ăn chụp giật, chạy theo lợi nhuận mà bất chấp lợi ích của người tiêu dùng. Trong môi trường công sở, một bộ phận không nhỏ công chức “đi ra đi vào”, cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, thoái hóa biến chất, lợi ích nhóm, tham nhũng, gây thiệt hại lớn cho xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Lối sống vị kỷ, sợ liên lụy khiến nhiều người trở nên thờ ơ, vô cảm, vô hình trung trở thành đồng lõa, tiếp tay cho cái ác, cái xấu nảy nở, lấn lướt…
Nói vậy không có nghĩa là trong đời sống xã hội thiếu vắng gương người tốt - việc tốt hay những ứng xử tử tế, nhân văn. Đặc biệt, những ngày phòng, chống dịch sôi động vừa qua cũng chính là đợt cao điểm của tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” của người Việt Nam, góp phần quan trọng làm nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng “giặc” Covid-19. Tuy nhiên, có cảm giác như bản tính thiện lương, căn tính tốt đẹp trong mỗi con người vẫn chưa thực sự được đánh thức, khai thác triệt để, và những việc tốt, ứng xử tử tế vẫn bị khuất lấp, lu mờ trong xã hội…
Những động thái nhằm lan tỏa, nhân rộng lòng tốt và sự yêu thương như chiến dịch “Lòng tốt dễ lây” đang phát động là rất cần thiết, tuy nhiên cần được duy trì thường xuyên và hình thành một phong trào, cuộc vận động rộng khắp trong xã hội, ở mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Đúng như thông điệp mà bộ phim tài liệu nổi tiếng Chuyện tử tế đã đưa ra cách đây hơn 30 năm: “Hãy hướng con trẻ và cả người lớn, đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế, trước khi mong muốn hoặc chăn dắt họ thành người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm”, để khơi dậy, thức tỉnh sự tử tế trong mỗi con người và lan tỏa, nhân rộng cái tốt, cái thiện trong xã hội, rõ ràng phải đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về những giá trị nhân bản và ý thức thượng tôn pháp luật. Và đó là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò của truyền thông đại chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.