(HNM) - Xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28-1-2022 về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Triển khai Quyết định này, các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã vào cuộc đồng bộ, có giải pháp cụ thể nhằm lan tỏa giá trị tốt đẹp của gia đình trong đời sống xã hội.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh:
Đưa phong trào đi vào thực chất, có sức lan tỏa
Công tác xây dựng gia đình văn hóa là nội dung quan trọng, được xác định là yếu tố hàng đầu trong xây dựng các hình mẫu văn hóa khác. Do vậy, Sở tập trung chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, lồng ghép các hoạt động với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ thành phố đến cơ sở đều quan tâm bồi đắp văn hóa gia đình, triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng đi vào thực chất, có sức lan tỏa tới từng gia đình, dòng họ, thôn, làng, tổ dân phố. Thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc... Cùng với đó đổi mới công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng:
Tăng cường động viên, khen thưởng, nhân rộng mô hình gia đình văn hóa
Từ nhiều năm qua, việc phát động nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa được quận Thanh Xuân quan tâm chỉ đạo thực hiện đăng ký tại tổ dân phố và thực sự đi vào chiều sâu, có giá trị giáo dục cao. Đây chính là tiền đề để quận triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đạt hiệu quả cao. Bộ tiêu chí ban hành với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần nhân lên nét đẹp văn hóa gia đình Thủ đô, quận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân về giá trị của văn hóa gia đình. Triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng:
Góp phần nâng cao chất lượng sống của mỗi gia đình
Huyện Ba Vì luôn đề cao trách nhiệm gia đình trong giáo dục các thành viên có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, thủy chung, kỷ cương để xây dựng gia đình thuận hòa, hạnh phúc, tiến bộ. Công tác gia đình trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức hội diễn văn nghệ, tọa đàm gặp mặt giao lưu, biểu dương người tốt - việc tốt. Thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới và làm nền tảng đóng góp tích cực xây dựng văn hóa cộng đồng. Lối sống đẹp trong gia đình cũng góp phần nâng cao chất lượng sống của mỗi gia đình.
Bà Hà Minh Phương, đảng viên Chi bộ số 9, phường Việt Hưng, quận Long Biên:
Góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, nâng cao văn hóa ứng xử trong gia đình
Hiện nay, có tình trạng giảm sút vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ em, truyền thống và kỷ cương, nền nếp của gia đình bị coi nhẹ, một bộ phận cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái… Sự ra đời của Bộ tiêu chí ứng xử được dư luận kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi nhận thức, dẫn tới thay đổi hành vi, từ đó nâng cao văn hóa ứng xử trong gia đình. Theo tôi, để nội dung Bộ tiêu chí nhanh chóng được cập nhật sâu rộng, bên cạnh các hình thức truyền thông chủ yếu qua hệ thống loa, đài phát thanh, các địa phương cần đa dạng thêm hình thức khen thưởng, biểu dương những gia đình gương mẫu để cùng nhau thực hiện.
Ông Nguyễn Quang Thắng, đảng viên Chi bộ số 8, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:
Đề cao trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình và toàn xã hội
Bộ tiêu chí nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựng gia đình trở thành tế bào lành mạnh của xã hội. Tôi hy vọng Bộ tiêu chí được phổ biến sâu rộng hơn nữa để mọi gia đình, dòng họ cùng có ý thức tự giác khi thực hiện. Thông qua việc thực hiện các nội dung của Bộ tiêu chí sẽ góp phần nâng cao nhận thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình; khơi lên trách nhiệm để các thành viên cùng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.