Văn hóa

Lan tỏa, bồi đắp những giá trị văn hóa của Thủ đô: Tình yêu và trách nhiệm

Bảo Linh 01/10/2023 - 06:57

Qua 6 năm, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (do Thành ủy Hà Nội phát động và tổ chức) đã khẳng định được sức hấp dẫn với các nhà báo, các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Cũng từ đây, rất nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả và cả giải pháp phát triển văn hóa đã được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo hiệu quả đáng ghi nhận.

van-hoa-2.jpg
Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa của Thủ đô. Ảnh: Bùi Anh Tuấn

Sức hút từ đâu?

Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ dành cho các cơ quan báo chí của Thủ đô mà có sức hút với nhiều cơ quan báo chí Trung ương. Số lượng tác phẩm báo chí điện tử sử dụng hình thức đa phương tiện hiện đại như MegaStory, Longform, E-Magazine... ngày càng nhiều. Các đề tài được triển khai đa dạng, phong phú. Tiêu biểu như trong mùa giải lần thứ 5, Ban tổ chức đã trao 3 giải A cho các tác phẩm “Tiệm cơm 1K dành cho bệnh nhi ung thư” của nhóm tác giả Đài Truyền hình Việt Nam, “Số hóa di sản để hồi sinh và khơi dòng lịch sử” của nhóm tác giả chuyên đề An ninh Thủ đô (Báo Công an nhân dân), “Không gian văn hóa vỉa hè đi về đâu” của nhóm tác giả Báo Kinh tế và Đô thị. Các tác phẩm tham dự giải đã bám sát những vấn đề “nóng” của Thủ đô trong phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh như “Quy hoạch sông Hồng - Thuận thiên và thuận nhân”, “Nâng tầm nhà hát thủ đô”, “Chìa khóa khai mở văn hóa sáng tạo”, “Ca trù Thăng Long - Bảo tồn hay sinh tồn”, “Giữ hồn làng qua các đạo sắc phong”...

Là tác giả 2 lần đoạt giải A, nhà báo Lại Quang Tấn (Báo Kinh tế và Đô thị) khẳng định, sau 6 năm triển khai, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo phóng viên và các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Các tác phẩm dự thi có nội dung và hình thức thể hiện ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều tác phẩm được chuẩn bị công phu, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trúng và kịp thời các vấn đề trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Là người tham gia hầu hết các mùa giải, nhà báo Nguyễn Văn Thắng (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội) nhấn mạnh: "Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã trở thành ngày hội của những người làm báo mỗi dịp thu sang. Cùng với Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là giải báo chí quan trọng để những người làm báo thể hiện tình yêu, trách nhiệm đồng hành với chính quyền Thành phố trong công cuộc xây dựng, kiến thiết Hà Nội phát triển xứng đáng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế của mình”.

Lý giải sức hút của Giải, nhà báo Nguyễn Văn Thắng cho biết, ai trong chúng ta cũng đều có một tình yêu Hà Nội. “Hà Nội luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim mỗi người, vì thế viết về Hà Nội là sự tri ân thiết thực nhất với mỗi nhà báo. Thông qua tác phẩm của mình, chúng tôi mong muốn được góp ý với chính quyền Thủ đô những “kế sách” để phát triển thành phố theo hướng bền vững, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc” - nhà báo Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Những góc nhìn mới

Đại diện cho nhóm tác giả của tác phẩm “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử”, tác phẩm đoạt Giải A năm 2022 của nhóm tác giả chuyên đề An ninh Thủ đô (Báo Công an nhân dân), Thiếu tá, nhà báo Đỗ Trần Quân cho rằng, khi bắt tay thực hiện mọi người đều nhận định đây là một đề tài rộng, khó, bởi chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 mang tầm quốc gia cần sự vào cuộc của rất nhiều các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nhà báo Đỗ Trần Quân cho hay: “Mỗi một nhân vật được tiếp cận, thú thật chúng tôi càng thêm “hoang mang” vì biên độ mở của đề tài quá rộng, làm cách nào để “gói ghém” qua từng câu chữ, từng kỳ báo để truyền tải rõ mục đích và tính cấp thiết cần phải số hóa di sản. Quan trọng hơn, từ câu chuyện ở Hà Nội, mô hình này sẽ được mở rộng ra sao ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước để tạo nên sự đồng bộ, thống nhất phục vụ mục tiêu chung nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc”.

Theo nhà báo Lại Quang Tấn, các tác phẩm được các cơ quan báo chí lựa chọn tham gia Giải đều có chất lượng tốt, hữu ích cho công tác phát triển văn hóa của Thủ đô. Nhiều tác phẩm viết công phu, phát hiện được những vấn đề mới. Một số đề tài không mới nhưng có góc nhìn mới, bám sát thực tiễn, đi sâu vào các khía cạnh cụ thể. Nhiều tác phẩm đã nêu được các giải pháp chớp thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức. Đồng quan điểm đó, nhà báo Nguyễn Văn Thắng cho rằng, đề tài đóng vai trò không nhỏ giúp tác giả ghi ấn tượng với ban giám khảo. “Có những đề tài mới như phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội; cũng có đề tài cũ nhưng được các nhà báo làm mới, đào sâu, có sự liên tưởng từ thực tại đến tương lai, tạo hiệu quả truyền thông rất lớn” - nhà báo Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Tham gia Hội đồng chung khảo suốt 6 mùa giải, Tiến sĩ, nhà báo Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, các vấn đề văn hóa theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng đã được các nhà báo khai thác, đào sâu một cách công phu. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, báo chí Hà Nội và nhiều tờ báo lớn của Trung ương tập trung vào đề tài công nghiệp văn hóa Hà Nội ở nhiều góc nhìn khác nhau, mang đến một bức tranh sinh động, phong phú về sự phát triển của Thủ đô. Đây là điều rất đáng biểu dương khi Hà Nội tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. “Tôi mong muốn có nhiều hơn sự gặp gỡ, trao đổi giữa chính quyền, cơ sở với các nhà báo để kịp thời tuyên truyền, giới thiệu những mô hình hay, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng nên thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bởi có những đề tài các nhà báo đã tìm kiếm và triển khai nhưng chưa sâu” - nhà báo Trần Bá Dung nhấn mạnh.

Có thể thấy qua 6 mùa giải, báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân và cả hệ thống chính trị của thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa... Rõ ràng đây là sự ghi nhận rất xứng đáng cho những nỗ lực của các nhà báo trong việc “kề vai sát cánh” cùng sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa, bồi đắp những giá trị văn hóa của Thủ đô: Tình yêu và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.