Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lần thứ 8 FED nâng lãi suất cơ bản: Nỗ lực kiềm chế ''cơn bão'' lạm phát

Thùy Dương| 04/02/2023 06:57

(HNM) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, qua đó đưa biên độ lãi suất lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10-2007. Đây là lần thứ 8 liên tiếp, FED tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế "cơn bão" lạm phát nghiêm trọng nhất trong hơn 4 thập kỷ ở nước này.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm.

Trước cuộc họp quan trọng của FED, các dữ liệu về lạm phát của Mỹ liên tục phát đi những tín hiệu tích cực. Việc chỉ tăng lãi suất cơ bản thêm 1/4 điểm đã phản ánh niềm tin ngày càng tăng của FED rằng những nỗ lực nhằm kiềm chế nhu cầu và giảm lạm phát đang dần có tác dụng lên nền kinh tế số 1 thế giới này. Quyết định nâng lãi suất của FED được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý IV-2022 đạt 2,9%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 3,2% của quý trước, nhưng vẫn vượt mức kỳ vọng mà các chuyên gia đã đưa ra trước đó. Điều này phản ánh một phần việc nền kinh tế Mỹ quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại, các gói kích cầu kinh tế và đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - lưu ý rằng lạm phát đã dịu bớt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao. Lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" vào cuối năm 2022. Theo tờ The Wall Street Journal, lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt phần lớn nhờ giá xăng giảm 9,4% sau khi giảm 2% trong tháng 11 năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát mà FED ưa chuộng, chỉ tăng 0,3% trong tháng 12-2022 so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10-2021.

Còn theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2022 của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức 7,1% của tháng 11 và thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất 9,1% của tháng 6-2022. Tuy nhiên, con số này còn cách khá xa so với lạm phát mục tiêu 2% mà Mỹ đề ra. Vì lý do đó, Chủ tịch FED Jerome Powell đã tái khẳng định cam kết giữ lãi suất tăng cao cho đến khi lạm phát được kiểm soát tốt hơn.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1-2, nhà lãnh đạo FED J.Powel cho biết, nếu như lạm phát diễn ra theo đúng dự báo, FED có thể sẽ đẩy lãi suất lên biên độ 5-5,25% và dừng lại. Theo ông Powel, nền kinh tế Mỹ đang ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc hơn, như thị trường lao động và giá cả tiêu dùng, song khẳng định “hiện vẫn còn quá sớm để ăn mừng”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giờ đây, rủi ro chính đối với nền kinh tế không phải là việc FED kiên quyết giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại, mà có thể là việc lạm phát ngừng giảm. Điều này đòi hỏi phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Bài toán của FED là phải làm sao không tăng lãi suất quá cao khiến các doanh nghiệp rút lại đầu tư cũng như làm ảnh hưởng thị trường lao động. Vì vậy, sau năm 2022 với hàng loạt động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh để kìm chế tình trạng lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên, quy mô đợt tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách đầu tiên năm 2023 của FED được cho là phù hợp với kỳ vọng của giới phân tích.

Với những dữ liệu mới nhất về lạm phát và sự suy yếu của tiêu dùng tại Mỹ, giới đầu tư kỳ vọng FED có thể bắt đầu giảm lãi suất sớm nhất kể từ tháng 9-2023. Hoạt động tiêu dùng đóng góp hơn 2/3 trong hoạt động kinh tế của Mỹ. Vì thế, sự suy giảm tiêu dùng cùng các dấu hiệu tăng trưởng giảm tốc, hoạt động sản xuất, kinh doanh đi xuống sẽ làm gia tăng rủi ro suy thoái tại nền kinh tế số 1 thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần thứ 8 FED nâng lãi suất cơ bản: Nỗ lực kiềm chế ''cơn bão'' lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.