Ngày 26-9, các công đoàn Tây Ban Nha đã dẫn đầu làn sóng biểu tình trên khắp cả nước, yêu cầu chính phủ và khu vực doanh nghiệp đạt được thỏa thuận về việc giảm giờ làm cho người lao động mà vẫn giữ nguyên mức lương.
Ông Unai Sordo, lãnh đạo Công đoàn Tây Ban Nha (CCCO), nói với hàng trăm người biểu tình tụ tập trước trụ sở của Hiệp hội chủ lao động (CEOE) tại thủ đô Madrid rằng: "Nền kinh tế và các công ty Tây Ban Nha hoàn toàn có thể chấp nhận việc giảm giờ làm nói chung. Những tiến bộ công nghệ hoàn toàn cho phép người lao động giảm giờ làm việc và sản xuất mà vẫn giữ nguyên năng suất".
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều tập đoàn và công ty lo ngại, việc giảm giờ làm sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động, buộc các doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động, dẫn tới tăng chi phí đầu vào.
Hiện, đảng Xã hội của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và đồng minh đang tìm cách thuyết phục các doanh nghiệp tham gia vào kế hoạch giảm thời gian làm việc khoảng 2,5 giờ/tuần, tức là từ 40 giờ xuống còn 37,5 giờ/tuần.
Để thúc đẩy sự ủng hộ của người sử dụng lao động, Chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra một khoản tiền thưởng cho các doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 10 nhân viên để bù đắp cho việc cắt giảm giờ làm việc trong khi vẫn duy trì cùng mức dịch vụ.
Từ đầu tháng 1-2024, chính phủ đã bắt đầu đàm phán với nhóm người sử dụng lao động và công đoàn để đạt được thỏa thuận nhưng các cuộc thảo luận bị đình trệ do hầu hết doanh nghiệp phản đối việc cắt giảm đồng loạt thời gian làm việc trong tuần.
Cựu Giám đốc Ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi cho biết, chính sách cắt giảm giờ làm việc của Tây Ban Nha phù hợp với xu hướng của các nước Liên minh châu Âu (EU).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.