Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làn sóng biểu tình chống Monsanto loang rộng

Kim Phượng| 31/05/2013 07:33

(HNM) - Cuối tháng 5 này, hàng trăm cuộc biểu tình với hơn 2 triệu người xuống đường phản đối Công ty Monsanto - chuyên cung cấp giống cây lương thực biến đổi gene - đã diễn ra trên toàn nước Mỹ và hơn 50 quốc gia ở khắp các châu lục.



Tami Canal, người sáng lập và tổ chức biểu tình cho biết phong trào phản đối được tổ chức ở 52 quốc gia, trong đó, riêng có 48/50 bang tại Mỹ, kể cả thủ đô Washington. Phong trào bắt đầu cách đây vài tháng, khi Canal lập trang facebook (mạng xã hội) từ ngày 28-2 để kêu gọi mọi người phản đối cách làm ăn của công ty này. Trang facebook đã nhận được ủng hộ từ 2 triệu người khi cho rằng công nghệ biến đổi gene và công nghệ thực phẩm di truyền của Công ty Monsanto nguy hiểm, gây tác động xấu tới môi trường và thúc giục sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về những mối nguy hiểm này.

Được xem là "gã khổng lồ" của ngành công nghiệp công nghệ sinh học, Monsanto đã xâm phạm môi trường, nhà nông và người tiêu dùng bình dân toàn cầu bằng hành vi sử dụng công nghệ sinh vật biến đổi gene và công nghệ thực phẩm di truyền chưa được công nhận. Vì được công nhận bằng sáng chế với 90% hạt giống biến đổi gene, Monsanto đang kiểm soát hầu hết lượng thực phẩm cấp trên thị trường Mỹ. Những sản phẩm biến đổi gene của Monsanto đang đi trực tiếp từ nông trại tới bàn ăn. Nông dân ở nhiều nước trên thế giới đang bị rơi vào tình thế không còn lựa chọn nào khác là phải mua giống từ cây trồng từ Monsanto. Họ không thể dùng sản phẩm của chính mình để làm giống cho vụ sau. Trong khi đa số người dân không hay biết thực phẩm họ ăn chứa sản phẩm biến đổi gene, Monsanto đang ngấm ngầm hoạt động để bảo đảm rằng sản phẩm của họ được trồng và bán mà không vấp phải sự can thiệp hay giám sát nào từ chính phủ.

Thực tế, cây biến đổi gene trồng từ hạt giống được can thiệp gene để chống lại thuốc diệt côn trùng và thuốc diệt cỏ, vì thế, chúng được cho là có thể giúp nâng cao năng suất cây trồng. Hầu hết ngô, đậu nành và bông trồng ở Mỹ ngày nay đều là giống biến đổi gene. Theo các chuyên gia, sinh vật biến đổi gene có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như ung thư và có thể ảnh hưởng tới môi trường. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đánh giá công nghệ sinh học vẫn còn chứa đựng "những mối nguy hiểm tiềm năng". Việc sử dụng giống biến đổi gene gây tranh cãi rất mạnh trong những năm gần đây, khi nhiều chuyên gia cho rằng phải quy định bắt buộc ghi nhãn sản phẩm biến đổi gene, nhưng Chính phủ Mỹ và nhiều nhà khoa học lại khẳng định công nghệ này là an toàn.

Nhưng, làn sóng biểu tình đang diễn ra được xem là đỉnh điểm của sự phẫn nộ với Monsanto kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua một chương trình công nghệ sinh học được đặt tên "Đạo luật bảo vệ Monsanto" hồi tháng 3 vừa qua. Các nhà hoạt động chống biến đổi gene xem đạo luật là sự mở đường cho Monsanto và các hãng khác có quyền sử dụng công nghệ biến đổi gene để bán sản phẩm thay đổi di truyền. Mới đây, Thượng viện Mỹ cũng bác bỏ dự luật cho phép các bang dán nhãn thực phẩm biến đổi gene. Thêm vào đó, trang Wikileaks vừa công bố hàng trăm nghìn bức điện tín ngoại giao, tiết lộ thông tin gây chấn động rằng Mỹ đã vạch rõ chiến lược, chiến thuật, mục tiêu trong các chính sách đối ngoại để gắn với chính sách công nghệ sinh học nông nghiệp trên toàn thế giới.

Sau khi Wikileaks công bố những bí mật này, Tổ chức bảo vệ khách hàng Food & Water Watch cũng đưa ra báo cáo điều tra cho biết, giữa Chính phủ Mỹ và một số công ty công nghệ sinh học đã tồn tại mối quan hệ đối tác thân thiết. Những điều tra đã phần nào lý giải những cáo buộc trước đây cho rằng, Chính phủ Mỹ luôn bảo vệ các công ty hóa chất, trong đó có Monsanto.

Mặc cho Monsanto khẳng định các sản phẩm của họ an toàn và góp phần tăng năng suất cho nhà nông nhưng làn sóng phản đối các sản phẩm của Monsanto và các công ty công nghệ sinh học Mỹ vẫn diễn ra trên toàn cầu. Và, cuộc tranh cãi về tác hại của những hạt giống biến đổi gene với sức khỏe con người vẫn chưa có hồi kết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làn sóng biểu tình chống Monsanto loang rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.