(HNMO) - Ngày 21/4, Diễn đàn sản xuất và công nghiệp Việt Nam 2016 khai mạc tại Hà Nội với khoảng 150 đại biểu là quan chức chính phủ, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo cấp cao từ các tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ và thảo luận, định hướng phát triển ngành sản xuất và công nghiệp.
Diễn đàn là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) do Tập đoàn Dow Chemical (Dow) của Hoa Kỳ tài trợ. Đây là sự kiện quan trọng góp phần định hướng và đề xuất các giải pháp phát triển lĩnh vực sản xuất và công nghiệp tại Việt Nam, giải quyết các vướng mắc trong công tác bảo đảm chất lượng sản xuất và công nghiệp. Diễn đàn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tế và thấy được vai trò của hóa chất đối với sản xuất và ngành công nghiệp Việt Nam.
Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI, cho biết: “Theo Báo cáo triển vọng phát triển Châu Á năm 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày ngày 30/3/2016, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động, dự báo kinh tế ổn định với mức tăng trưởng 6,7% sau đó sẽ tăng trưởng chậm hơn ở mức 6,5% trong năm 2017. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng trong năm 2015 là yếu tố dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 7 năm vừa qua”.
Cũng theo báo cáo này công bố năm 2015 cho thấy có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu, tỷ lệ này là khá thấp so với con số gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Việt Nam cũng chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định tự do thương mại với các khu vực, nền kinh tế lớn gần đây, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về những thách thức cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng những cơ hội. Doanh nghiệp chưa chuẩn bị để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, nhất là trong thị trường lao động và hàng hóa dịch vụ trong nước.
“Trong tiến trình đó, cần xem xét ba vấn đề: Xác định ngành sản xuất và công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; Xác định sản phẩm, chuỗi cung ứng và công việc có lợi thế cạnh tranh; Nâng cao sức cạnh tranh của các ngành sản xuất và công nghiệp”, ông Khương nhấn mạnh.
Ông Tomoyuki Sasama, Quản lý thị trường Việt Nam của Dow chia sẻ: “Ở các nước phát triển, công nghiệp hóa chất hỗ trợ các ngành công nghiệp khác với giá trị sản xuất lên tới 50% GDP. Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong một số ngành công nghiệp sản xuất như dệt may, giày dép, điện tử… Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng nhanh và thúc đẩy tăng trưởng GDP cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất và lĩnh vực sản xuất có vai trò rất quan trọng, là động lực to lớn cho kinh tế Việt Nam phát triển và để phấn đấu đạt được mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa” - ông Tomoyuki Sasama cho biết thêm.
“Dow kỳ vọng trở thành đối tác tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng lâu dài của Việt Nam thông qua thúc đẩy đổi mới, sáng tạo giúp tăng cường năng lực của các ngành công nghiệp Việt Nam. Dow cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ và ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển, tăng giá trị gia tăng nhằm tận dụng lợi ích từ TPP, AEC và các hiệp định thương mại tự do khác" - ông Tomoyuki Sasama nhấn mạnh.
Tại hai phiên thảo luận về "Vai trò quan trọng của sản xuất và công nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam" và "Tầm quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất đối nền kinh tế Việt Nam" đã giúp các doanh nghiệp chia sẻ những kiến thức chuyên sâu, những kinh nghiệm thực tế, đồng thời kết nối hợp tác kinh doanh giữa các nhà sản xuất với các nhà hoạch định chính sách, đại diện các hiệp hội ngành hàng và các nhà thương mại và ngân hàng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.