(HNMO) - Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận bệnh nhân C.A.K ngụ tại Đức Hòa, Long An, có thận trái bị vỡ cấp độ 4 và chảy máu trong.
Bệnh nhân C.A.K được đưa vào bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng nguy kịch do tai nạn xe máy. Trước đó, khi đang điều khiển xe máy, bệnh nhân C.A.K (sinh năm 1977) va quyệt với con chó, cú ngã mạnh đã khiến anh bị chấn thương nặng. Tại bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, qua kiểm tra các bác sĩ phát hiện thận trái của C.A.K đã bị vỡ, thận bị chảy máu.
Sau hơn 1 tháng điều trị, quả thận tổn thương cấp độ 4 của bệnh nhân C.A.K đã được bảo tồn thành công. |
Bác sĩ Ngô Minh Tuấn, Trưởng Khoa Can thiệp mạch máu cho biết: "Thận được chia thành 5 cấp độ vỡ, bệnh nhân C.A.K vỡ cấp độ 4 là cấp độ nguy hiểm. Bệnh viện chúng tôi trước đây chỉ bảo tồn được cho quả thận khi rơi vào chấn thương nặng độ 1 hoặc 2. Các cấp độ còn lại, có khả năng phải cắt bỏ thận, để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân”.
Sau khi nhập viện, do đa chấn thương nên bệnh nhân C.A.K được hồi sức và dùng các liều pháp điều trị bảo tồn giữ lại thận. Tình hình sức khỏe bệnh nhân tiến triển khá thuận lợi. Tuy nhiên, sau 1 tháng, kiểm tra kết quả chụp CT các bác sĩ phát hiện, trong thận K có khối thoát nước tiểu bị tổn thương. Nó tạo thành khối u chứa dịch và xuất hiện hiện tượng chảy máu, đe dọa tính mạng.
Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương đã tiếp tục cuộc hội chuẩn toàn bệnh viện để cùng thống nhất phương án can thiệp giúp bệnh nhân cầm máu, giữ lại quả thận mà không phải cắt bỏ. Tuy nhiên, trước mức độ khó của quả thận bị tai nạn, xuất hiện nhiều điểm tổn thương, nhiều phương án, cắt bỏ thận được các bác sĩ dự phòng đến.
Do thận bệnh nhân K bị tổn thương nhiều, nên việc chuẩn đoán đúng vị trí chảy máu rất khó khăn. Nếu chuẩn đoán đúng, các bác sĩ mới tiến hành tắt động mạch gây tổn thương để dùng kỹ thuật, hạn chế tắt toàn bộ động mạch thì sẽ ảnh hưởng đến mô thận, gây khó cho việc giữ lại thận.
Các bác sĩ đã tiến hành xử lý phần tổn thương bằng cách đặt một sonde niệu quản dẫn lưu từ vùng tổn thương ra bàng quang để bệnh nhân tiểu ra ngoài. Song song đó là một ống dẫn lưu ở vùng bể thận ra da. Đặt dẫn lưu 7 ngày thì nước tiểu ra máu lượng nhiều. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được tiến hành can thiệp mạch máu trong 3 giờ phẫu thuật.
Bác sĩ Đoàn Trí Dũng,Trưởng Khoa Ngoại Thận Tiết Niệu cho biết, kết quả kiểm tra biết phần thận được bảo tồn khá nhiều. Một tuần hậu phẫu, nước tiểu của bệnh nhân K đã hoàn toàn trong, không còn chảy máu. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi và dự kiến sẽ được xuất viện sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.