(HNM) - Ngày 19-10, cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính sách kinh tế khắc khổ tiếp tục diễn ra ở thủ đô Rome (Italia) với sự tham gia của hàng vạn người, bao gồm nhân viên cứu hỏa, công nhân ngành thép, công nhân viên chức nhà nước và sinh viên.
Sự kiện này diễn ra cùng thời điểm với các cuộc đình công trong ngành vận tải trên khắp cả nước, khiến hàng chục chuyến bay bị hoãn và nhiều tuyến xe buýt, tàu hỏa bị ùn tắc...
Làn sóng xuống đường lần này đã được lên kế hoạch từ khi chính phủ công bố dự thảo ngân sách năm 2014 vào ngày 15-10. Điểm đáng chú ý trong bản ngân sách này là hướng tới mục tiêu phục hồi nền kinh tế đang trì trệ thông qua cắt giảm thuế với các công ty và người lao động. Bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và thuê nhân công cùng với cắt giảm hóa đơn thuế cho người lao động và hộ gia đình, các biện pháp này được xem là cơ hội giúp Italia tập trung vào tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm suy thoái.
Lâu đài cổ Orsini Odescalchi ở Bracciano nằm trong danh sách rao bán của Chính phủ Italia. |
Tuy nhiên, để có thể cắt giảm thuế, chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu công với mục đích giảm thâm hụt ngân sách đến 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2014 - mức giới hạn theo quy định của Ủy ban Châu Âu - và để giảm các khoản nợ khổng lồ của Italia. Một trong những ngành nằm trong nhóm các dịch vụ công nằm trong diện tiếp tục cắt giảm là hệ thống chăm sóc sức khỏe. Điều này gây ảnh hưởng tới không ít lao động trong lĩnh vực công khiến dư luận ở đất nước hình Chiếc ủng thêm lo ngại vì khoản ngân sách dành cho phúc lợi xã hội ngày càng co hẹp.
Trước khi đưa ra bản trình về ngân sách tại nội các, Thủ tướng Italia Enrico Letta cho biết, sẽ bảo đảm sự chắc chắn cho tài chính công của nước này trong ba năm tiếp theo. Bộ trưởng Kinh tế Fabrizio Saccomanni cũng hy vọng đất nước sẽ thoát khỏi suy thoái trong quý IV năm nay và củng cố tăng trưởng trong năm 2014. Nhưng, các nhà phân tích thị trường vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng ngân sách mới có thể cung cấp cho Italia một "hỏa lực" đủ mạnh để tăng trưởng trở lại.
Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở nếu xét thể trạng yếu kém của nền kinh tế Italia hiện nay. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng liên tục tụt dốc kể từ giữa năm 2011, đẩy nước này vào thời kỳ suy thoái dài nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II, nền kinh tế Italia đã rơi vào vòng luẩn quẩn và nỗi lo sợ của các ngân hàng làm tê liệt các khoản cho vay. Nhiều doanh nghiệp trở nên lao đao khiến nguy cơ phá sản lên đến gần 1.000 công ty mỗi ngày. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 12%; nhưng, với riêng tầng lớp thanh niên lứa tuổi từ 15 đến 24, con số này lên tới 40,5%. Đà tăng của nợ công vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù đã vượt qua ngưỡng 2.000 tỷ euro...
Để giảm nhẹ gánh nặng nợ nần, Chính phủ Italia buộc phải lên kế hoạch rao bán chừng 50 di tích lịch sử như một phần của giải pháp khẩn cấp nhằm giữ cho ngân sách không bị thâm hụt quá 3% theo quy định của EU. Bộ trưởng Bộ Tài chính Fabrizio Saccomanni dự tính số tiền thu được nhờ bán những di sản quốc gia này sẽ đạt 425 triệu USD. Chính phủ Italia cũng hy vọng rằng, những tài sản quốc gia này sẽ được doanh nghiệp tư nhân mua lại và chuyển đổi thành khách sạn, nhà hàng và bảo tàng, đem lại công ăn việc làm cho người dân. Trong danh sách rao bán có cả lâu đài Orsini Odescalchi - một kiến trúc thời Trung cổ với giá 15 triệu euro. Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Italia rao bán di tích lịch sử. Năm ngoái, ngọn hải đăng trên đảo Sardinia cũng đã được bán cho các doanh nghiệp tư nhân và sau đó được chuyển đổi thành khách sạn, phòng trưng bày và viện bảo tàng tư nhân.
Mặc dù thoát hiểm ngoạn mục trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm quyết định số phận chính phủ tại lưỡng viện Quốc hội cách đây hai tuần - vụ việc được xem như "cuộc đảo chính" gián tiếp thủ lĩnh đối lập S.Berlusconi - song, chặng đường đến cuối nhiệm kỳ kéo dài 5 năm của Thủ tướng E.Letta sẽ còn nhiều thách thức mà trước mắt là bài toán "cơm áo gạo tiền" đang tạo thành chiếc "vòng kim cô" siết chặt hệ thống phúc lợi, đẩy nước này đứng trước những nguy cơ bất ổn xã hội khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.