Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấn cấn trách nhiệm, vi phạm càng nhiều

Chí Đạo| 06/11/2010 08:19

(HNM) - Khai thác đất ngoài bãi sông, đốt lò gạch, chất tải vật liệu xây dựng (VLXD) trên đê đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tuyến đê bờ hữu và hành lang thoát lũ sông Hồng qua địa phận huyện Phú Xuyên. Đáng báo động khi mới đây, dù không xuất hiện lũ trên sông Hồng nhưng ở Sơn Tây đã xảy ra hiện tượng sạt lở mà theo nhận định ban đầu có nguyên nhân từ dạng vi phạm này.

Những kiêu gạch chất trên mặt đê ở thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên).


Vi phạm chồng vi phạm
Ngày 5-11, chỉ 5 ngày sau khi quy định ngừng mọi hoạt động tập kết, trung chuyển trên hành lang bảo vệ đê, mặt đê trong mùa mưa bão (từ tháng 5 đến tháng 10) hết hiệu lực, việc tập kết cát, đốt lò gạch ở bãi sông thị trấn Phú Minh và xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên) đã nhộn nhịp hẳn lên. Chủ tịch UBND xã Văn Nhân Lê Hồng Tuyến cho biết, trung tuần tháng 8-2010, bãi chứa VLXD diện tích 4,3ha đã được hạ tải theo chỉ đạo của UBND huyện. Tuy nhiên, do không thấy báo động lũ, nên chủ kinh doanh đã tập kết cát sớm hơn quy định, nhiều núi cát lừng lững, cao hơn mặt đê lại xuất hiện. Tại thị trấn Phú Minh cũng có 3 vỏ lò (hiện 2 lò đang đỏ lửa) và bãi chứa VLXD rộng 2ha. Theo chứng kiến của PV Hànộimới sáng 5-11 tại thị trấn Phú Minh, ngay trên mặt đê các chủ lò đã ngang nhiên xếp hàng nghìn viên gạch cao đến 3m, chạy dài hàng chục mét, ảnh hưởng đến an toàn đê và người tham gia giao thông.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Minh Trần Huy Nam, một ngày đêm có tới 600 lượt xe ô tô tải chuyên chở cát, gạch đi từ đê hữu Hồng qua thị trấn (nhiều xe trọng tải 30 tấn), khiến thân đê càng thêm oằn mình chống chịu. Trước khi tiến hành kế hoạch xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ và các vi phạm khai thác đất ngoài bãi theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục "châm chước" để chủ lò đốt hết số gạch mộc đã sản xuất. Cụ thể, tại văn bản 1442/UBND ngày 20-10-2010 do Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Chí Quân ký, cho phép chủ lò gạch thủ công trên địa bàn các xã Quang Lãng, Văn Nhân, Khai Thái, Hồng Thái và thị trấn Phú Minh đun đốt trở lại để "giải quyết số gạch mộc còn tồn tại trên bãi", thời gian thực hiện từ ngày 20-10 đến 25-12-2010.

Xử lý cách nào?
Theo thông báo mới đây của Bộ NN&PTNT về thanh tra vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB trên địa bàn TP Hà Nội thì ở huyện Phú Xuyên, chính quyền địa phương đã cho xây dựng trái phép 35 lò gạch kép ngoài bãi sông, ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát lũ; việc khai thác đất ngoài bãi sông cũng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra còn có 7 bãi tập kết, trung chuyển VLXD nằm trong hành lang bảo vệ đê, có điểm tập kết cao hơn mặt đê.

Trao đổi với PV Hànộimới, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Chu Phú Mỹ cho biết, số lò gạch đang hoạt động ở các xã Quang Lãng, Khai Thái, Hồng Thái, Văn Nhân, thị trấn Phú Minh hầu hết là nằm trong quy hoạch cho phép sản xuất VLXD của tỉnh Hà Tây (cũ). Theo quy định của luật thì có 17 lò ở xã Hồng Thái nằm ngoài hành lang thoát lũ và bảo đảm chỉ giới an toàn đê. "Khó nhất hiện nay là hợp đồng giữa chủ lò với các xã phải đến năm 2012 và 2013 mới kết thúc. Nếu phá dỡ lò số tiền đền bù hợp đồng rất lớn, chưa tính 17 vỏ lò ở Hồng Thái cũng lên đến khoảng 200 tỷ đồng" - Chủ tịch Chu Phú Mỹ phân trần. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là số kinh phí này ai sẽ đứng ra chi trả, mà nếu không làm nhanh thì thực trạng vi phạm không thể giải quyết, đê điều, hành lang thoát lũ tiếp tục bị đe dọa. Ông Chu Phú Mỹ thừa nhận huyện chưa tìm ra phương án, nhất là vấn đề tài chính để đền bù cho các chủ lò gạch.

UBND huyện Phú Xuyên đã tính đến 3 phương án: chuyển đổi từ đốt gạch sang kinh doanh bãi VLXD với những nơi đủ điều kiện; phá dỡ và thanh lý hợp đồng toàn bộ các lò gạch; thực hiện hết hợp đồng với điều kiện khu sản xuất, lò gạch nằm ngoài chỉ giới thoát lũ và bảo đảm công nghệ sản xuất tiên tiến. Theo tính toán của Chủ tịch xã Văn Nhân Lê Hồng Tuyến, phương án 1 phải đền bù 2,1 tỷ đồng/vỏ lò; phương án 2 đền bù 5,3 tỷ đồng/vỏ lò. "Kinh phí đền bù, UBND huyện hoặc UBND TP phải chịu trách nhiệm thì mới giải quyết được. Tiền thu từ hợp đồng với chủ kinh doanh, các thôn, xã đã đầu tư cơ sở hạ tầng" - ông Tuyến nhấn mạnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong cách quản lý đê, hành lang thoát lũ giữa Hạt Quản lý đê và các xã cũng chưa thống nhất nên việc xử lý vi phạm như "bắt cóc bỏ đĩa". UBND xã, thôn ký hợp đồng cho sử dụng đất trong hành lang thoát lũ được hưởng lợi, khi xảy ra sự cố đê điều thì cơ quan quản lý đê chịu trách nhiệm. Vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB, lực lượng quản lý đê lập biên bản nhưng chính quyền xã lại là cơ quan xử lý. Thực tế, cơ quan ký hợp đồng cho làm lò gạch, bãi kinh doanh vật liệu mà lại là cơ quan xử lý vi phạm thì rất khó nghiêm minh và kiên quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấn cấn trách nhiệm, vi phạm càng nhiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.