Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm tốt cải cách TTHC là cắt đi quyền và lợi của một số người

Nguyễn Hiền| 01/03/2011 07:33

(HNM) - Sau gần 2 tháng chính thức đi vào hoạt động (từ ngày 6-1-2011), Cục kiểm soát TTHC (trực thuộc Văn phòng Chính phủ) đã hoàn tất công tác kiện toàn tổ chức, xây dựng kế hoạch hoạt động, sẵn sàng đảm đương vai trò trung tâm kiểm soát TTHC trong phạm vi cả nước, duy trì kết quả của Đề án 30. Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC về chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của đơn vị này.

Cán bộ Tổ đề án 30 của thành phố Hà Nội rà soát các thủ tục hành chính. Ảnh: Linh Tâm

- Ra đời với mục tiêu duy trì hiệu quả Đề án 30, ông có thể cho biết rõ hơn về ý nghĩa của việc thành lập Cục Kiểm soát TTHC?

- Đây là công việc tiếp nối sau những việc đã làm được trong Đề án 30 của Tổ công tác chuyên trách TTHC của Thủ tướng Chính phủ. Cục kiểm soát TTHC được thành lập theo Quyết định số 74/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Cục sẽ tập trung theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động, dự thảo các quy định về TTHC, từng bước nâng cao chất lượng các quy định về thủ tục; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức (CBCC)…

Ngày 15-3-2011, Phòng Kiểm soát TTHC thuộc văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ và văn phòng UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ sẽ chính thức đi vào hoạt động. Các cơ quan này có chức năng giúp Chánh Văn phòng cơ quan chủ quản trong việc kiểm soát TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Cùng với Cục Kiểm soát TTHC, các phòng kiểm soát TTHC sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến TTHC, nhằm tạo điều kiện đơn giản, thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân và DN.

- Với khối lượng công việc lớn như vậy, Cục sẽ ưu tiên vấn đề nào để mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đơn giản hóa TTHC?

- Chúng tôi cho rằng thực hiện tốt chức năng phản ánh kiến nghị sẽ giúp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những quy định không còn phù hợp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy kinh tế phát triển. Qua đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh các hành vi vi phạm. Việc này càng cần thiết và quan trọng trong bối cảnh lương của CBCC chưa phù hợp như hiện nay. Chúng tôi cũng sẽ rà soát theo chuyên đề những TTHC đang gây cản trở để tiếp tục kiến nghị Chính phủ tháo gỡ kịp thời.

- Sau gần 2 tháng hoạt động, Cục đã triển khai được những việc gì và sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào trong năm đầu tiên ra mắt, thưa ông?

- Chúng tôi đã hoàn tất công tác kiện toàn tổ chức; xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng tháng, từng quý và cả năm; giao trách nhiệm rõ bộ phận thực hiện và thời hạn phải hoàn thành. Hai tháng qua, Cục đã xây dựng các quy trình công việc liên quan đến kiểm soát TTHC; xây dựng tài liệu tập huấn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ của Cục… Trong năm nay, Cục sẽ tập trung đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc 25 nghị quyết của Chính phủ về việc đơn giản hóa TTHC và cần phải sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, thay thế gần 5.000 thủ tục để cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ TTHC; đồng thời sẽ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 500 cán bộ của các phòng kiểm soát TTHC; làm việc trực tiếp tại 21 bộ, ngành và 63 địa phương để kiểm tra, góp ý xây dựng kế hoạch hoạt động; thực hiện 250 buổi tham vấn với các bộ, ngành, cá nhân, tổ chức về bảo đảm chất lượng dự thảo quy định về TTHC...

- Việc tiếp tục đơn giản hóa gần 5.000 TTHC chắc hẳn không dễ?

- Đúng vậy, đây là việc vô cùng khó khăn, bởi làm tốt cải cách TTHC là sẽ cắt đi quyền và lợi của một bộ phận CBCC (họ thông qua thủ tục, đặt ra những TTHC gây khó dễ cho tổ chức, công dân) nên chúng tôi dễ bị họ chống đối; đồng thời, vẫn còn một số CBCC và cả người dân, DN còn hồ nghi về việc cải cách nên chưa vào cuộc quyết liệt. Để sửa gần 5.000 TTHC sẽ phải sửa gần 1.000 văn bản, trong đó có 30 luật và 10 pháp lệnh, 183 nghị định, 330 thông tư và hơn 330 quyết định thuộc cấp bộ. Vì thế, chúng tôi cần sự chung tay, chung sức, cùng nhau vượt qua những khó khăn ban đầu.

- Với nhiệm vụ của mình, Cục sẽ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân, trong đó tập trung vào những hành vi nhũng nhiễu. Vậy Cục có biện pháp gì để thực hiện hiệu quả vấn đề “nhạy cảm” này?

- Vấn đề này đã được thể chế hóa bằng Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Trong đó nêu rõ cách thức, quy trình, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xử lý phản ánh, kiến nghị. Hơn nữa, chúng tôi đã công bố công khai địa chỉ tiếp nhận (tại website: thutuchanhchinh.vn) và hướng dẫn rất cụ thể cho người dân, doanh nghiệp để họ sẵn sàng cung cấp thông tin cho chúng tôi. Họ cũng có thể gửi về cho hệ thống văn phòng các bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan này sẽ tiếp nhận, phân loại, báo cáo cấp có thẩm quyền, yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét cán bộ của mình, chấn chỉnh kỷ cương hành chính.

- Chỉ còn nửa tháng nữa là Phòng Kiểm soát TTHC tại văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, TP sẽ chính thức hoạt động. Ông có thể cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã hoàn tất chưa?

- Hiện nay, cái thuận lợi là chúng ta đã có Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm soát TTHC. Qua đó, thiết lập hệ thống các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC tại các bộ và địa phương. Đồng thời, để triển khai nghị định này đã có Thông tư số 01/2011/TTLT-VPCP-BNV liên tịch giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Phòng Kiểm soát TTHC. Như vậy, các văn bản đã đủ cơ sở pháp lý cho các bộ phận này hoạt động.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh là các Cục Kiểm soát TTHC của TƯ cũng như các Phòng Kiểm soát TTHC tại các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh là đơn vị được thành lập để tổ chức việc thực hiện kiểm soát TTHC, còn việc tham gia thì cần sự chung tay, chung sức của tất cả người dân, doanh nghiệp và các CBCC trong hệ thống hành chính.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm tốt cải cách TTHC là cắt đi quyền và lợi của một số người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.