Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm thế nào để nhận biết một người mắc u não?

Thu Trang| 16/05/2020 15:37

(HNMO) - Tại chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh lý u não do Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tổ chức ngày 16-5, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, có tới 120 loại u não, trong đó hay gặp nhất là u di căn não, u tế bào thần kinh đệm, u màng não và u tuyến yên.

Không chỉ người lớn mới mắc, u não còn xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ. Vậy, dấu hiệu nào nhận biết một người mắc u não?

 Khám và tư vấn bệnh lý u não cho bệnh nhi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, ngày 16-5.

Trẻ 2 tháng tuổi đã mắc u não

Dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng tỷ lệ mắc u não ở nước ta cũng tương đương với các nước trên thế giới, khoảng từ 200-300 người/100.000 dân. Riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, trung bình mỗi năm khám và điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân liên quan u não, trong đó 80% gặp ở người lớn, phổ biến ở độ tuổi từ 30-60; 20% còn lại là ở trẻ em.

Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức từng tiếp nhận bệnh nhân mắc u não nhỏ tuổi nhất, được phẫu thuật khi mới 2 tháng tuổi. "Phát hiện bé có biểu hiện đầu to ra, thóp phồng, gia đình đưa bé đến bệnh viện khám. Khi chụp phim, chúng tôi phát hiện bé bị u não lành tính. Sau cuộc phẫu thuật, bé hoàn toàn khoẻ mạnh, không để lại di chứng. Hiện tại, bé đã 8 tuổi", PGS.TS Đồng Văn Hệ nói.

Cũng theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, khi nói đến u não, nhiều người thường cho rằng đây là bệnh lý nguy hiểm. Thế nhưng, có những loại u não có thể chữa khỏi hoàn toàn. Đó là những loại u não lành tính, xuất hiện ở những vị trí không nguy hiểm và được phát hiện sớm, có thể phẫu thuật. 

Tuy nhiên, PGS.TS Đồng Văn Hệ lưu ý, u não đứng thứ 2 trong tất cả các loại ung thư ở trẻ em. Với bệnh lý u não ở trẻ thì có tới 70% là ung thư. U não cũng chiếm 1/4 số bệnh nhân tử vong do ung thư dưới 19 tuổi.

"Dấu hiệu u não ở trẻ đôi khi rất mơ hồ, khó nhận biết. Dù vậy, dấu hiệu quan trọng để nghi ngờ trẻ mắc u não đó là nôn. Tại bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhi được bố mẹ đưa đến bệnh viện khi thấy con nôn rất nhiều. Khi chụp cắt lớp não, bác sĩ đã phát hiện ra khối u", PGS.TS Đồng Văn Hệ nói.

Phân biệt u não với tình trạng đau đầu do áp lực cuộc sống

Các bệnh nhân tham gia chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh lý u não do Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thực hiện ngày 16-5.

Mặc dù có tới 120 loại u não nhưng có 4 nhóm u não hay gặp nhất, đó là u di căn não, u tế bào thần kinh đệm, u màng não và u tuyến yên. Có loại u não phát triển rất chậm, mỗi năm to thêm 2-3mm nên dấu hiệu rất mờ nhạt. Nhiều người được chẩn đoán u não sau khi khối u rất to (đường kính 8-10cm) và khối u đã phát triển từ 5-10 năm. Thế nhưng, một số u não phát triển rất nhanh, chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, u não có thể tái phát sau điều trị, nhưng cũng có loại không tái phát hoặc u không phát triển to hơn sau nhiều năm. Vì vậy, bệnh nhân phải được khám, tư vấn và theo dõi khối u liên tục, thường xuyên. Thời gian sống thêm sau khi điều trị u não phụ thuộc rất nhiều vào loại u, tuổi bệnh nhân, vị trí, kích thước, phương pháp điều trị...

Về dấu hiệu nhận biết u não, với một người trưởng thành chưa từng bị co giật, nếu một ngày bị co giật thì 80-90% khả năng là mắc u não. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu phát hiện sớm khác như: Tự nhiên bị méo mồm, điếc tai, lác mắt, sụp mi, một cánh tay bị yếu, thay đổi tính nết, mất tập trung... Khi xuất hiện các dấu hiệu không đi được, hôn mê, rối loạn tâm thần, nhìn mờ, rối loạn nội tiết thì u não đã bước vào giai đoạn nặng.

Đề cập đến việc làm thế nào để phân biệt một người bị đau đầu do bệnh lý u não với đau đầu do căng thẳng, áp lực trong cuộc sống và công việc, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho rằng, thông thường, có đến 80% nguyên nhân gây đau đầu là do áp lực công việc, cuộc sống, chỉ có 20% do bệnh lý.

"Nếu đau đầu do áp lực tâm lý, khi nghỉ ngơi, dùng thuốc sẽ hết. Còn nếu đau đầu do bệnh lý, sau khi uống thuốc, cơn đau lại tái phát, thậm chí tình trạng đau đầu sẽ tăng lên theo thời gian. Với người bị u não, cơn đau đầu thường xuất hiện nhiều vào ban đêm", PGS.TS Đồng Văn Hệ khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào để nhận biết một người mắc u não?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.