(HNM) - Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng khá nhanh, nếu năm 2000 mới chỉ đạt 415 USD/người/năm thì vào năm 2010, con số này đã là 1.170 USD.
Cần có những chính sách đồng bộ, thiết thực để giảm sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng ở nước ta. Ảnh: Đàm Duy
TS Lê Quốc Hội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, theo kết quả điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2010, cả nước có hơn 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo. Sau 5 năm (2006-2010), tỷ lệ nghèo của cả nước giảm từ 20% xuống còn 9,45%. Tuy nhiên, thành tựu xóa đói giảm nghèo chủ yếu thể hiện ở mặt bảo đảm lương thực, thực phẩm, chứ thu nhập của một bộ phận lớn dân cư vẫn ở giáp ranh mức nghèo, do vậy, khi có sự dao động về thu nhập hoặc gặp thiên tai, rủi ro, biến động về giá… là số này dễ tụt xuống ngưỡng nghèo. Nói việc giảm nghèo chưa bền vững là vì thế.
Sự thể có nguyên do của nó. Như những năm gần đây, một số chính sách mang tính động lực như chính sách đất đai, giao đất giao rừng… không còn tác dụng mạnh như giai đoạn đầu đổi mới. Cơ hội về việc làm của người nghèo ngày càng khó khăn hơn do tình trạng phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng, sự phân bổ lợi ích tăng trưởng chưa thực sự phù hợp. Điều dễ nhận thấy là người nghèo đang gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản và thành quả do sự phát triển mang lại. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, nhóm 20% giàu nhất hưởng 45% các trợ cấp y tế và 35% trợ cấp giáo dục; trong khi đó, nhóm 20% nghèo nhất lần lượt nhận được 7% và 15%. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tập trung chủ yếu vào các ngành sử dụng nhiều vốn, được bảo hộ cao ít có tác động trực tiếp đến người nghèo vì chỉ những người có vốn liếng, tri thức và trình độ mới có thể tham gia vào các lĩnh vực đó...
Tăng trưởng nóng, một phần do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tập trung cũng phần nào tác động tiêu cực đến công tác xóa đói giảm nghèo. Quá trình ấy đã làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc mới liên quan đến xóa đói giảm nghèo, chẳng hạn như nông dân mất đất, thiếu việc làm ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phải di cư từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm…
Bất bình đẳng gia tăng
Theo kết quả khảo sát mức sống hộ dân cư năm 2010 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm hộ giàu nhất gấp 9,2 lần thu nhập của nhóm hộ nghèo nhất và con số này tăng cao so với các năm trước. Hệ số GINI (thước đo sự chênh lệch về thu nhập và phân hóa giàu nghèo trong dân cư; hệ số này được nhận giá trị từ 0 đến 1, càng gần 1 thì sự phân hóa giàu nghèo càng cao) năm 2010 đã ở mức 0,43 và có xu hướng tăng (năm 2002 là 0,418, năm 2004 và 2006 là 0,42).
Giải thích vấn đề bất bình đẳng có xu hướng gia tăng, TS Lê Quốc Hội cho biết, những năm qua, Việt Nam đã thực hiện chiến lược tăng trưởng và định hướng ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các doanh nghiệp, ngành và dự án vùng cần nhiều vốn, các vùng trọng điểm và các doanh nghiệp nhà nước. Việc áp dụng mô hình tăng trưởng và định hướng phân bổ nguồn lực như vậy khiến lợi ích của tăng trưởng không được phân bổ một cách rộng rãi cho các tầng lớp dân cư và gây ra tình trạng bất bình đẳng. Việc dành nhiều vốn đầu tư công vào các vùng trọng điểm dẫn đến sự bất cân đối về tăng trưởng giữa các vùng. Bên cạnh đó, tăng trưởng và hội nhập kinh tế cũng tạo ra những cơ hội khác nhau về thu nhập của người lao động. Chẳng hạn, lao động trong các ngành xuất khẩu, dịch vụ có mức tăng trưởng thu nhập cao hơn do được hưởng lợi nhiều nhất khi hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong khi đó, nông dân chưa được hưởng lợi nhiều bởi họ không tham gia xuất khẩu trực tiếp hàng hóa, đồng nghĩa với chưa thực sự được hưởng thành quả của tăng trưởng và hội nhập. Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh, tiền lương thực tế của những lao động có trình độ tăng cao hơn so với người lao động không có tay nghề. Như vậy, bất bình đẳng thu nhập gia tăng do có sự khác biệt về mức lương giữa nhóm lao động có kỹ năng và khả năng thích ứng cao so với các nhóm lao động khác.
Trong thời gian tới, mục tiêu giảm nghèo và bất bình đẳng thu nhập vẫn sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với nước ta. Theo TS Lê Quốc Hội, để xóa đói giảm nghèo và hạn chế bất bình đẳng, cần chuyển đổi và thực hiện mô hình tăng trưởng công bằng nhằm bảo đảm thu nhập của người nghèo tăng nhanh hơn so với thu nhập trung bình của xã hội, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quy định. Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước cần hướng vào việc khuyến khích và tạo cơ hội để người nghèo và các nhóm yếu thế tham gia hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể thực hiện qua các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chính sách về đất đai, vốn tín dụng, khuyến nông… Cuối cùng, để bảo đảm người dân được chia sẻ thành quả phát triển, Nhà nước cần quan tâm và thực hiện tốt chính sách về giáo dục, y tế và mạng lưới an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.