(HNM) - Sáng 13-4, trên tấm bảng đếm ngược thời gian đến ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội con số là 180 ngày. Thời gian không còn nhiều, biết bao việc vẫn bày ra trước mắt và làm sao bảo đảm Thủ đô sạch đẹp vẫn là mối lo thường trực. Khắp Hà Nội hiện còn nhiều dự án đang xây dựng dở dang, công trường nằm ngay bên hè phố…
Công nhân Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 22 chỉnh trang tuyến phố Bà Triệu. Ảnh: Thái Hiền |
Thực tế bề bộn…
Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển rác ở 4 quận nội thành cũ gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa do Công ty TNHH NN MTV Môi trường Đô thị đảm nhiệm. Phần việc còn lại ở các quận, huyện do các đơn vị: CP Thăng Long; CP Môi trường Sinh thái; CP Môi trường Tây Đô; HTX Thành Công; CP Xanh và các xí nghiệp môi trường thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Chỉ riêng việc thực hiện VSMT do nhiều đơn vị thực hiện đan xen đã gây khó khăn cho việc quản lý.
Tại một cuộc hội thảo chuyên môn diễn ra hôm qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Sùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Hạ tầng Đô thị cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là tổ chức các bãi chôn lấp và xử lý rác thải. Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn với diện tích 83,5ha đang phải gánh thêm một phần rác thải của bãi rác Núi Thoong. Bãi rác Sơn Tây, bãi rác Kiêu Kỵ có quy mô nhỏ, còn bãi Núi Thoong vẫn đang trong quá trình xử lý tồn tại. Các bãi Vân Nội, Vĩnh Quỳnh - Yên Sở, Đan Phượng, Hoài Đức đều chỉ là bãi chôn lấp đất thải xây dựng. Ở nhiều huyện, rác thải được thu gom nhưng chưa có nơi xử lý hợp vệ sinh, để phân hủy tự nhiên, đổ xuống ao, hồ hoặc đốt. Thực trạng rác thải làng nghề được thu gom cùng với rác sinh hoạt vẫn chưa có hướng giải quyết.
Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, vấn đề quy hoạch rác thải của Hà Nội cần được nhìn nhận ở một tầm vĩ mô hơn. Hiện nay, quy hoạch tổng thể chất thải rắn Hà Nội năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng. Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị đang lập dự án đầu tư mở rộng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn - giai đoạn 2. Nhưng để đáp ứng nhu cầu về nơi chôn lấp rác của thành phố, các huyện cần có bãi chôn lấp rác quy mô cấp huyện và lựa chọn địa điểm thích hợp để làm điểm trung chuyển phế thải, giải quyết thực tế khó khăn về địa điểm chôn lấp rác hiện nay.
Đó là chưa kể hàng loạt vấn đề đang tồn tại trong việc thu gom rác thải, rửa đường, công trình đang xây dựng, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng gây bụi… Việc thu gom rác thải, trước khi quét đường phố, người công nhân phải gõ kẻng nhưng ở nhiều tuyến phố chưa thực hiện đầy đủ. Do vậy, sau khi xe thu rác đi qua người dân mới mang rác ra bỏ xuống hè đường. Thực trạng các công trình xây dựng không tuân thủ quy định về đổ rác thải, phương tiện chuyên chở vật liệu không che chắn, kéo bùn đất từ công trường chạy ra đường giao thông… đã làm cho tình trạng ô nhiễm bụi không hề giảm.
Trong những năm qua, Hà Nội đã làm nhiều việc về vấn đề VSMT, như tuyên truyền, ký giao ước cam kết thi đua, ra quân tổng vệ sinh hay tổ chức tuyến đường tự quản của các đoàn thể. Nhưng trong thực tế còn nhiều người dân, hộ dân vẫn chưa thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; các quán ăn, cửa hàng kinh doanh không có thùng rác riêng…
Công nhân Công ty Điện lực xử lý “mạng nhện” trên phố. Ảnh: Thanh Hải |
Tăng cường phối hợp quản lý
Thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và trật tự đô thị cho nhân dân bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc ban hành Quyết định số 11/2010/QĐ quy định về quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn. Phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm (thuộc Sở Xây dựng) cho biết, sở đang triển khai kế hoạch thực hiện quyết định này tới quận, huyện và tổ dân phố để người dân nắm được chủ trương và các mức xử phạt.
Tại hội thảo nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi kiêm Chủ tịch Hội Xây dựng thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, các sở, ban, ngành tăng cường phối hợp quản lý, bảo đảm VSMT hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các đơn vị thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và duy trì bảo đảm VSMT trên các tuyến phố, khu dân cư; thu dọn, vận chuyển hết rác thải và không để rác thải tồn đọng lưu cữu qua ngày tại các điểm trung chuyển. Đồng thời, tăng cường quét, hút bụi, phun rửa đường hè phố bảo đảm luôn sạch, hạn chế bụi bẩn, nhất là vào những ngày thời tiết hanh khô hoặc sau khi mưa. Đặt thùng rác có dung tích phù hợp trên đường phố, nơi công cộng, nhà ga, bến xe, điểm vui chơi giải trí, nơi sinh hoạt cộng đồng ngoài trời.
Các chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện đúng quy định về thu dọn, vận chuyển đất thải, phế thải và bảo đảm vệ sinh khu vực công trường. Mọi trường hợp làm bẩn hè phố, lòng đường phải bị xử lý và kịp thời khắc phục. Phương tiện vận chuyển đất thải, phế thải, vật liệu xây dựng rời phải che chắn đúng quy định, không để vật liệu rơi vãi trên đường. UBND các quận, huyện, phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo đảm VSMT…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.