(HNM) - Chính thức triển khai vào cuối năm 2008, dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến hoàn thành một số gói thầu trong tháng 6-2013 để khai thông dòng chảy.
Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy đoạn từ hạ lưu đập Đáy, huyện Phúc Thọ đến cầu Mai Lĩnh, quận Hà Đông dài 25,6km có tổng mức đầu tư ban đầu 349 tỷ đồng, sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ. Ông Trần Anh Tú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án nông nghiệp thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: Do chính sách thay đổi, kinh phí GPMB tăng gấp 5 lần, khiến việc triển khai dự án gặp khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ NN&PTNT đã bố trí kế hoạch vốn cho dự án đến hết năm 2013 khoảng 254,6 tỷ đồng; riêng năm nay là 125 tỷ đồng. Mặc dù những khó khăn về kinh phí đã được giải quyết song công tác GPMB vẫn ì ạch và gặp nhiều vướng mắc. Đến nay, duy nhất huyện Quốc Oai hoàn thành GPMB, bàn giao 100% diện tích cho chủ đầu tư; huyện Phúc Thọ, mới bàn giao 6,35ha/ 10,5ha đất phải thu hồi, đạt 60%; huyện Hoài Đức bàn giao 22,2ha/ 30,3ha, đạt 73%. Trên diện tích đã GPMB, hầu hết các nhà thầu đã chủ động máy móc, nhân lực để thi công từ gói thầu số 2 đến gói thầu số 6 dài 7,5km và gói thầu 16 (xây dựng cầu Hiệp Thuận), với khối lượng công việc đạt 30%-70%. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong công tác GPMB đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Tính đến hết tháng 9, chủ đầu tư mới giải ngân được 30,6 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm; số tiền chưa giải ngân là 94,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho công tác GPMB là 80,5 tỷ đồng.
Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức đang bị ngưng trệ. Ảnh: Hoài Thu |
Trước tình trạng chậm trễ trên, ngày 21-10, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo các huyện có dự án đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng để triển khai thi công, bảo đảm khai thông dòng chảy sông Đáy trong mùa lũ năm 2014. UBND thành phố cũng đã có Công văn số 8144/UBND-NNNT ngày 31-10 yêu cầu các huyện Phúc Thọ và Hoài Đức thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công đúng tiến độ. Tuy nhiên, công tác GPMB ở một số địa phương vẫn ì ạch, thậm chí phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Khảo sát tại thực địa và làm việc với các bên liên quan cho thấy, một số địa phương còn chưa chủ động hợp tác với chủ đầu tư. Theo ông Trần Anh Tú, tổng diện tích đất thu hồi thực hiện dự án ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức là 4,3ha của 2.166 hộ vẫn chưa xác định được nguồn gốc đất đai. Theo UBND xã Dương Liễu, mặc dù diện tích giao cho các hộ gia đình trước đây là đất quỹ I giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, nhưng trong quá trình sử dụng, do diện tích đất nhỏ lẻ, khó canh tác nên các hộ giao cho thôn làm đại diện cho 35 hộ thuê thầu trồng trọt, thả cá. Tuy nhiên đến nay, do còn thiếu hồ sơ, thủ tục nên chưa đủ cơ sở xác định đây là đất quỹ I để xây dựng phương án bồi thường GPMB. Để giải quyết vướng mắc, ngày 11-11-2013, Ban Chỉ đạo GPMB thành phố chủ trì hội nghị để thống nhất và đề xuất UBND thành phố cho ý kiến chỉ đạo về công tác GPMB ở xã Dương Liễu, nhưng UBND huyện Hoài Đức không chuẩn bị đầy đủ văn bản báo cáo và đề xuất hướng giải quyết nên hội nghị tạm hoãn.
Nan giải nhất là công tác GPMB 6,9ha trên địa bàn xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ. Ông Ngô Mạnh Cường, Trưởng ban Ban Bồi thường GPMB huyện Phúc Thọ cho biết, diện tích đất quỹ II do xã Liên Hiệp quản lý đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, diện tích còn lại là 5.143,6m2 chưa bàn giao do 6 hộ dân có đơn khiếu nại. Đến nay, các hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, quá trình xác định diện tích đất quỹ I của mỗi khẩu giao theo NĐ 64/CP để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ GPMB của xã Liên Hiệp không thống nhất, lúc đầu đề xuất mỗi khẩu là 13m2/khẩu, sau lại đề nghị là 9,5m2/khẩu. Chính sự bất nhất này khiến người dân cho rằng mình bị thiệt thòi nên phản ứng quyết liệt. Đỉnh điểm, từ ngày 31-10 đến 4-11, hàng trăm người dân xã Liên Hiệp đã có mặt tại hiện trường ngăn cản không cho nhà thầu thi công trên diện tích đất đã thu hồi GPMB. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ, các cơ quan tham mưu giúp việc của huyện và UBND xã Liên Hiệp đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết vướng mắc này nên công tác GPMB chậm.
Có thể thấy, việc chậm trễ trong công tác GPMB trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền các huyện Hoài Đức và Phúc Thọ. Để sớm đẩy nhanh tiến độ, trước mắt, UBND huyện Phúc Thọ cần đẩy nhanh việc xác định chính xác nguồn gốc đất đai, tính toán công khai diện tích đất thu hồi, phê duyệt phương án hỗ trợ đền bù GPMB. Cơ quan chức năng của thành phố và huyện Phúc Thọ khẩn trương có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi ngăn cản, gây rối, tập trung đông người làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị địa phương. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các huyện có dự án và chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến độ GPMB để các đơn vị thi công dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy đúng tiến độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.