(HNMO) – Đánh giá cao những thành tựu của 25 năm đổi mới đất nước, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ: “Thực sự có đi nhiều mới biết, Đảng Cộng sản Việt Nam rất vì dân, không phải Đảng và Nhà nước nào cũng làm được điều này. Tôi nói như vậy để chúng ta biết giá trị của những gì chúng ta đang có hôm nay và những giá trị đó cần được bảo vệ”.
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, qua nghiên cứu cương lĩnh, chiến lược phát triển KTXH 2010-2020 và báo cáo chính trị, bà có cảm nhận các văn kiện có nhiều điểm còn chưa hợp lý.
Về mục tiêu từ nay đến năm 2020, xây dựng VN cơ bản thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đại biểu Loan cho rằng, cần phải nhấn mạnh cả yếu tố nông nghiệp nữa. Việt Nam có đến 70% dân số làm nghề nông do đó cần xác định lại định hướng này.
“Với nền tảng như hiện nay mà trong vòng 10 năm nữa, chúng ta chuyển đổi hoàn toàn sang nước cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vô cùng khó. Tôi cho rằng không nhất thiết phải chuyển đổi như vậy mà nên phát triển cân bằng, hài hòa giữa công nghiệp và nông nghiệp”, đại biểu Loan đề nghị.
Đại biểu Loan cũng đề nghị, cần có quy hoạch phát triển đất nước một cách tổng thể, tránh sự khập khiễng trong phát triển nền kinh tế do thiếu quy hoạch, dẫn đến nhập siêu, kinh tế phát triển không bền vững…
“Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp phải trên lợi thế của đất nước. Ưu thế xuất khẩu của nước ta là các sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp nên cần ưu tiên phát triển cho lợi thế đó”, đại biểu Loan nói.
Đánh giá cao những thành tựu của 25 năm đổi mới đất nước, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ: “Thực sự có đi nhiều mới biết, Đảng Cộng sản Việt Nam rất vì dân, không phải Đảng và Nhà nước nào cũng làm được điều này. Tôi nói như vậy để chúng ta biết giá trị của những gì chúng ta đang có hôm nay và những giá trị đó cần được bảo vệ”.
Theo đại biểu Khánh, 25 năm đổi mới là một kỳ tích, nhất là với những người đã trải qua những năm tháng chiến tranh và bao cấp.
“Đó là những thành tựu cần được ghi nhận để chúng ta có động lực, niềm tin trong thời kỳ mới”, đại biểu Khánh nói.
Góp ý về nội dung các văn kiện ĐH Đảng, đại biểu Khánh đề nghị nên điều chỉnh lại mục tiêu “xây dựng CNXH công bằng, dân chủ, văn minh” theo hướng quan tâm hơn đến vấn đề dân chủ, bình đẳng.
“Phải chăng chúng ta nên lấy mục tiêu là xây dựng CNXH dân chủ, giàu mạnh, bình đẳng, văn minh?”, đại biểu Khánh đề xuất.
Góp ý vào định hướng này, đại biểu Nguyễn Anh Liên (Thanh Hóa) lại đề nghị, nên thay thành mục tiêu Tổ quốc giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
“Nếu chúng ta ham làm giàu thì phân hóa xã hội ngày càng tăng, dẫn đến hệ quả là một xã hội chạy theo đồng tiền… Có lẽ chúng ta nên thay mục tiêu dân giàu thành dân hạnh phúc. Hạnh phúc bao hàm nhiều ý nghĩa”, đại biểu Liên nói.
Về mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, nên coi trọng phát triển bền vững, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam nên tập trung vào phát triển năng lượng, giao thông, công nghiệp dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, cơ khí.
“Thời gian vừa qua, chúng ta dùng quá nhiều từ “chiến lược”. Tất cả những loại chiến lược như vừa rồi không phải là chiến lược. Chiến lược là phải đi vào trọng tâm, trọng điểm, ít mà tinh”, đại biểu Khánh nói.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cũng nhất trí, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, phải làm rõ những lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên, tạo ra sự đột phá, đón đầu như phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…
“Cần làm rõ mục tiêu đặc điểm, nội dung, phương hướng của thời kỳ quá độ cụ thể như thế nào, chúng ta đã đi đến phân đoạn nào của thời kỳ này và nếu năm 2020 cơ bản Việt Nam là nước công nghiệp thì chúng ta sẽ ở phân đoạn nào của thời kỳ quá độ?”, đại biểu Lợi nêu vấn đề.
Thêm một góc nhìn, đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) nhấn mạnh, ngoài việc phát triển kinh tế-xã hội để nâng mặt bằng chung thì Việt Nam cần tập trung phát triển các khu vực có đông nông dân, có tiềm năng.
“Không thể phát triển bền vững mà bỏ rơi điều tiết cho những vùng yếu thế. Nếu chúng ta áp dụng cách phân phối bình quân như hiện nay thì địa phương nghèo lại càng nghèo tiếp”, đại biểu Danh nói.
Chung mối quan tâm, đại biểu Dương Anh Điền (Hải Phòng) cho rằng, Việt Nam cần phải có kế hoạch phát triển vùng, có định hướng ưu tiên nơi nào phát triển trước, nơi nào phát triển sau, có như vậy mới có đủ nhân lực và nguồn lực để làm “đến nơi đến chốn”.
Đại biểu Điền cũng quan tâm đến 3 khâu đột phá chiến lược và đề nghị, dự thảo văn kiện cần bổ sung đột phá về nguồn nhân lực và lãnh đạo quản lý.
“Thực tế cho thấy, nơi nào có người lãnh đạo tốt thì nơi đó có nhân tài tụ về”, đại biểu Điền nói.
Đại biểu Phùng Thanh Kiểm (Lạng Sơn) cũng nhất trí, việc phát triển nguồn lực là rất quan trọng nhưng hiện khâu đào tạo của chúng ta còn yếu.
“Muốn nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ thì cần phải đào tạo, có lộ trình bồi đắp nhân lực cụ thể, chứ không thể chỉ tự làm rồi rút kinh nghiệm”, ông nói./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.