(HNM) - Nghị định 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 105) quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) theo tinh thần trang trọng, văn minh, tiết kiệm được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-2, NĐ 105 gồm 6 chương, 60 điều với một số nội dung đáng chú ý đối với lễ tang CB, CC, VC (đối tượng điều chỉnh của NĐ), như: không được để linh cữu quá 2 ngày (48 giờ) kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức lễ an táng; không để ô kính trên nắp quan tài; không rắc vàng mã và các loại tiền trong quá trình đưa linh cữu đến nơi an táng; không đốt đồ mã tại nơi an táng. Các tổ chức, cá nhân đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa do BTC lễ tang chuẩn bị…
Ông Hồ Chí Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VH,TT&DL), Trưởng ban biên tập, soạn thảo nội dung NĐ 105, lý giải: NĐ yêu cầu không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài vì việc lắp kính mới xuất hiện ở thành thị khoảng chục năm nay, không phải là truyền thống; vì nhìn vào thi thể người từ trần ảnh hưởng tới sức khỏe người sống, nếu không cẩn thận, ô kính vỡ sẽ rơi xuống người đã mất… Tương tự, quy định người đi viếng đám tang mang băng vải đen thay cho vòng hoa được ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, giải thích: "Sự tôn kính với người mất thể hiện ở thái độ họ đến tiễn đưa người quá cố chứ không phải là số lượng vòng hoa nhiều hay ít". Theo ông Bảo, khách đến viếng đám tang ăn mặc lịch sự, nghiêm túc, kính cẩn thắp nén hương cho người quá cố chính là sự thành kính. Còn quy định không được đốt vàng mã, rải tiền nhằm hạn chế lãng phí, tốn kém…
Khảo sát thực tế cho thấy, mỗi vòng hoa bán tại cổng nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, nhà tang lễ số 125 Phùng Hưng (Hà Nội) và nhiều địa điểm khác có giá trung bình 150 - 400 nghìn đồng, đám tang nào ít cũng có khoảng 10 vòng, đám nhiều hàng trăm vòng. Làm phép tính đơn giản sẽ thấy, số tiền dùng để mua vòng hoa cho mỗi đám tang lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Vì vậy, có thể khẳng định, mục đích đầu tiên của NĐ 105 là đề cao tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, thứ đến là hạn chế những thủ tục không đúng trong tang lễ.
Cán bộ phải gương mẫu
Trước NĐ 105, nhiều mô hình tổ chức lễ tang văn minh, tiến bộ lấy đội ngũ cán bộ, đảng viên làm lực lượng nòng cốt, tiên phong đã được các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện. Đơn cử, huyện Đông Anh (Hà Nội) có cuộc vận động thực hiện "Việc tang văn minh, tiến bộ" nhằm giảm ăn uống linh đình, xóa bỏ các hủ tục, quy hoạch nghĩa trang và thực hiện hỏa táng. Trong năm năm triển khai, huyện Đông Anh đã tổ chức hơn 200 buổi tọa đàm về thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ cho gần hai vạn lượt người; phát 7,5 vạn tài liệu đến từng hộ gia đình; tổ chức lấy hơn 5,2 vạn lượt ý kiến; vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện... Bằng hình thức này, huyện Đông Anh xuất hiện các điển hình như: thôn Lỗ Khê, thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà); thôn Vệ (xã Nam Hồng), 100% đám tang chọn hình thức hỏa táng…
Không nằm ngoài mục đích xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang, Công ty Vạn Thịnh Phát ở TP Hồ Chí Minh đang xây dựng quần thể điện táng hiện đại, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo điện táng miễn phí. Mới đây, tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh. Theo quy định này, CB, CC, VC và thân nhân của họ khi từ trần, các cơ quan, đoàn thể, cán bộ công chức không mang vòng hoa khi đi viếng đám tang... Như vậy, NĐ 105 ra đời xuất phát từ nhu cầu tất yếu của cuộc sống.
Với kinh nghiệm 15 năm triển khai mô hình lễ tang văn minh, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Văn hóa gia đình, Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh cho rằng: để NĐ 105 đi vào cuộc sống thì trước hết CB, CC, VC phải làm gương bởi đối tượng điều chỉnh của NĐ chính là CB, CC, VC. Bên cạnh đó, các cơ quan công luận, chính quyền các địa phương cần thường xuyên theo dõi, quán xuyến nhằm kịp thời phát hiện CB, CC, VC cố tình vi phạm. Đồng tình với quan điểm trên song ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Dương, cho biết: Bình Dương chưa tính đến việc xử phạt nếu cá nhân, đơn vị làm trái quy định mà chủ yếu là vận động, nhắc nhở. Tuy nhiên, về mặt Đảng, chính quyền, có thể lấy đó làm tiêu chí để bình xét, đánh giá các danh hiệu thi đua, xếp loại…
Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn minh, nhưng chưa có văn bản nào quy định riêng về việc tổ chức tang lễ cho CB, CC, VC. Vì thế, dư luận kỳ vọng NĐ 105 ra đời sẽ khuyến khích đội ngũ CB, CC, VC nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ, làm gương cho quần chúng noi theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.