Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm giàu từ nhãn chín muộn

Đỗ Minh| 14/09/2012 07:05

(HNM) - Với hiệu quả kinh tế cao gấp 7-8 lần so với trồng lúa và là cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay, nhãn chín muộn đang là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân một số huyện ngoại thành Hà Nội.

Hiện Trung tâm Giống cây trồng (TTGCT) Hà Nội đang thực hiện thí điểm mô hình thâm canh nhãn chín muộn tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức với mục tiêu mở rộng diện tích trồng loại cây này tại các địa phương.

Loại nhãn này ngon không kém nhãn lồng Hưng Yên, thời gian thu hoạch muộn hơn nhãn thường cho giá trị kinh tế cao hơn. Nhãn chín muộn được chọn là cây trồng chủ lực trong đề án phát triển cây ăn quả Hà Nội giai đoạn 2012-2016. Theo ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc TTGCT Hà Nội, ngay từ năm 2011 khi chưa triển khai đề án, TTGCT đã thí điểm mô hình thâm canh nhãn chín muộn tại HTX Nông nghiệp Lại Dụ, xã An Thượng, Hoài Đức với diện tích 30ha, thu hút 172 hộ dân tham gia. Hiện, nhãn đang bước vào giai đoạn thu hoạch với năng suất đạt khoảng 18 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt 402 triệu đồng/ha, tăng 17 triệu đồng/ha so với năm 2011 và 137 triệu đồng/ha so với năm 2010. Ông Vũ Văn Mạnh, thôn Lại Dụ, xã An Thượng, một trong những hộ gia đình tham gia mô hình cho biết, trước kia gia đình anh cũng trồng nhãn chín muộn, song do chưa nắm bắt được kỹ thuật sản xuất nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ khi tham gia mô hình của TTGCT Hà Nội với các biện pháp thâm canh mới, chất lượng và hiệu quả kinh tế loại quả này ngày càng cao. Với 100 cây nhãn, năng suất đạt gần 2 tấn quả, gia đình ông Vũ Văn Mạnh thu lãi từ 50 đến 70 triệu đồng/vụ.

Trại cây Lại Dụ của ông Triệu Tiến Ích, thôn Lại Dụ, xã An Thượng (Hoài Đức), có hơn 800 cây nhãn đang cho thu hoạch. Theo ông Ích, với số nhãn chín muộn này, mỗi năm gia đình ông thu lợi hàng tỷ đồng. Ông Ích cho rằng, chỉ cần cải tiến biện pháp thâm canh, năng suất nhãn sẽ rất cao và nếu được hỗ trợ để nhân rộng mô hình, đây sẽ là hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu của nông dân.

Nhãn chín muộn đang được trồng tại nhiều xã ở Quốc Oai, Hoài Đức, nhưng đều phát triển mang tính tự phát, chưa có quy mô, định hướng. Để mở rộng diện tích nhãn chín muộn, ngoài mô hình thâm canh, TTGCT còn triển khai mô hình ghép cải tạo 3ha nhãn chín muộn và trồng mới 10ha tại xã An Thượng. Từ tháng 4 đến nay, TTGCT đã tiến hành ghép được 85% diện tích, số còn lại hoàn thành trong tháng 10. Thời gian tới, trung tâm sẽ khảo sát và quy hoạch thành vùng sản xuất nhãn chín muộn mang tính hàng hóa. Ngoài việc hỗ trợ vật tư, cây giống cho nông dân, trung tâm cũng đang nghiên cứu phương pháp bảo quản nhãn tươi, sau đó sẽ triển khai hỗ trợ địa phương. "Đặc biệt, trung tâm sẽ tổ chức liên kết các doanh nghiệp, ổn định đầu ra cho nông dân và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hướng tới xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhãn chín muộn" - ông Nguyễn Bá Sướng nhấn mạnh.

Ngoài việc quy hoạch và nhân rộng diện tích nhãn chín muộn, vấn đề bảo tồn giống nhãn này cũng đang là nhiệm vụ cấp bách. Xã Đại Thành, huyện Quốc Oai vốn là quê hương của nhãn chín muộn, hiện có hàng trăm cây nhãn với tuổi đời từ 15 đến 40 năm đang nằm rải rác trong vườn nhà nhiều hộ nông dân. Song những năm gần đây, giống nhãn này bị chính người dân trong xã lãng quên, đa phần các gia đình chỉ trồng nhãn để ăn, nhiều hộ còn chặt cây nhãn để trồng các loại cây khác.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch khôi phục, bảo tồn giống nhãn này. Sau đó tiến hành nghiên cứu đồng đất từng vùng để mở rộng diện tích trồng nhãn chín muộn. Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, hầu hết các địa phương đều vướng ở tiêu chí nâng cao thu nhập và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nếu được quy hoạch bài bản, tổ chức sản xuất, bảo quản và tiêu thụ ổn định, nhãn chín muộn sẽ là cây trồng góp phần hoàn thiện hai tiêu chí trên.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ nhãn chín muộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.