(HNM) - Những năm trước, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn được biết đến là địa bàn khó khăn, nông dân loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế nông hộ. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự năng động đưa giống cây trồng mới vào đồng đất đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Anh Nguyễn Văn Lợi chăm sóc hoa phục vụ thị trường Tết. |
Điển hình là mô hình trồng hoa ly trong nhà màng, nhà lưới quy mô 2ha giá trị thu nhập cả tỷ đồng/năm của hộ anh Nguyễn Văn Lợi thôn Xuân Tảo. Không chỉ làm giàu từ trồng hoa tại Xuân Giang, anh Lợi đã liên kết mở rộng, đưa cây hoa ly tới nhiều xã trên địa bàn trong và ngoài huyện.
Cách đây gần 20 năm, không cam chịu thu hoạch bấp bênh từ đồng đất bạc màu, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi đã trở thành hộ tiên phong đưa cây hoa cúc vào trồng trên đất Xuân Giang. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, anh Lợi đã mạnh dạn chuyển sang trồng hoa ly. Thời điểm cách đây chục năm, hoa ly miền Bắc chủ yếu là nhập từ Đà Lạt và nhập khẩu của các nước với giá khá cao.
Anh Lợi đã lặn lội vào Đà Lạt để tìm mua giống và học kỹ thuật của các nhà vườn uy tín. Năm đầu tiên không may mắn, do chất lượng giống kém, lứa hoa ly đầu tiên mất trắng cả tỷ đồng. Không nản chí, anh Lợi đã tìm các công ty cung ứng giống hoa tốt khác và tăng dần diện tích qua các năm. Từ vài sào đến 2ha đất bạc màu, cấy lúa kém hiệu quả, anh Nguyễn Văn Lợi đã cải tạo thành vườn trồng hoa ly cao cấp.
Nhờ mô hình này, cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá và tạo việc làm cho 10 lao động trong xã. Anh Lợi cho biết: Từ một người chuyên buôn hoa, tôi quyết tâm gắn bó với nghề trồng hoa cũng gần hai chục năm qua. Đến nay sở hữu 2ha hoa ly tập trung tại Xuân Giang và gần chục vườn ly quy mô từ 2 đến 3ha ở nhiều địa phương, tất cả các vườn hoa đều được làm nhà khung có lưới che. Vào dịp tết Nguyên đán mỗi năm, gia đình anh xuất tới 300.000 cành hoa ly phục vụ thị trường Hà Nội với giá bán 20.000-70.000 đồng/cành. Ngoài trồng hoa, gia đình anh Lợi còn cung ứng giống hoa ly cho nhiều chủ vườn khác. Trung bình mỗi sào hoa, trừ chi phí gia đình anh cũng thu lãi 60-70 triệu đồng, riêng hoa ly lãi hơn 100 triệu đồng/sào/năm.
Trăn trở lớn nhất của anh Lợi là với quy mô như hiện nay đã cần đầu tư mỗi héc ta cả tỷ đồng nhưng hiện các ngân hàng mới chỉ định giá cho vay theo đất sổ đỏ của gia đình được vài trăm triệu đồng nên rất khó cho việc mở rộng sản xuất tập trung quy mô lớn. Mặt khác, chính sách về nông nghiệp công nghệ cao đã có nhưng để đi vào cuộc sống rất cần sự chung tay vào cuộc theo tinh thần khó đâu gỡ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ thuê đất, đầu tư mạnh về giống, khoa học - kỹ thuật, tiếp cận được đồng vốn ưu đãi, hỗ trợ một phần về hạ tầng.
Ông Phạm Quang Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, những mô hình làm ăn hiệu quả như của gia đình anh Lợi thực sự rất đáng khích lệ và cần được động viên, hỗ trợ kịp thời. Đây là nền tảng để các hộ dân khác học tập kinh nghiệm làm giàu bền vững từ nông nghiệp và bản thân sự hiệu quả của mô hình là cú hích quan trọng để huyện Sóc Sơn nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở các xã vùng khó khăn. Theo đó, để nghề trồng hoa, cây cảnh ngày càng phát triển cần có các chính sách ưu đãi hỗ trợ giống, đất đai, đầu tư khoa học, kỹ thuật cho các hộ trồng hoa, cũng như việc thành lập các HTX, hiệp hội những người trồng hoa, tạo sân chơi bổ ích cho nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.