Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm giàu từ cây cảnh

Thu Hằng| 08/07/2011 07:11

(HNM) - Ở huyện Thường Tín từ nhiều năm nay một số mô hình trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn, nuôi trồng thủy sản... phát huy lợi thế đồng đất của huyện ven đô đã đạt kết quả. Các mô hình chuyển đổi trong nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.



Khách tham quan mô hình trồng cây cảnh tại trang trại gia đình anh Nguyễn Văn Trí, thôn Cơ Giáo, xã Hồng Vân. Ảnh: Đỗ Hà



Theo giới thiệu của ông Hoàng Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thường Tín, chúng tôi về thăm 3 xã Hồng Vân, Vân Tảo và Thư Phú, nơi được Hội Nông dân huyện triển khai mô hình phát triển kinh tế năm 2011. Từ xã Vân Tảo đến xã Hồng Vân, trên bất cứ diện tích đất nông nghiệp hay đất thổ cư nào cũng thấy bà con nông dân tận dụng để trồng hoa, cây cảnh.

Chúng tôi thực sự bị "hút hồn" khi tới thăm khu "Trang trại nhà vườn cao cấp" của hội viên nông dân Nguyễn Văn Trí, Chi hội Nông dân thôn Cơ Giáo, anh là một trong những người đầu tiên đưa nghề trồng cây cảnh về xã Hồng Vân nói riêng và huyện Thường Tín nói chung. Ở một trong những khu vườn của anh Trí (diện tích khoảng 1 mẫu) gần 1.000 chậu cây cảnh các loại được bài trí thành từng hàng, từng dãy gọn gàng, ngăn nắp. Mặc dù thời tiết nắng nóng, oi bức nhưng hơn chục lao động vẫn miệt mài cắt tỉa, chăm sóc cây trong khu vườn. Anh Trí cho biết, nghề trồng cây cảnh đã và đang ngấm dần vào máu người dân Hồng Vân. Vì vậy, số hộ tham gia trồng cây cảnh ngày một tăng, thu nhập đầu người cũng tăng đáng kể. Hiện tại, gia đình anh Trí trồng 2.000 cây cảnh trên chậu với tổng diện tích sử dụng hơn 2 mẫu. Mỗi năm gia đình anh thu hàng tỷ đồng tiền lãi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh cho nhiều nông dân trong và ngoài xã.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Vân, Mai Văn Chính cho biết: Mô hình trồng cây cảnh bắt đầu hình thành trên quê hương anh từ những năm 1995-1996. Từ một vài hộ tiên phong chuyển đổi, đến nay cả 6/6 thôn của xã đều trồng cây cảnh, trong đó 2 thôn Cơ Giáo và Cẩm Cơ có 100% số hộ trồng cây cảnh. Mô hình này cho thu nhập cao gấp 10-15 lần so với trồng lúa nên được nông dân hưởng ứng cao. Nhờ đó mà số hộ giàu tăng, hộ nghèo ngày càng giảm, đến nay toàn xã chỉ còn 95/1.187 hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Rời xã Hồng Vân, chúng tôi tới thăm mô hình trồng cây cảnh của hộ anh Nguyễn Đình Hiền, hội viên Hội Nông dân xã Thư Phú. Trên diện tích gần 1.000m2, anh Hiền đã trồng cả nghìn cây cảnh các loại. Dưới bàn tay khéo léo của anh, nhiều cây cảnh đã trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị từ vài chục triệu tới hàng tỷ đồng. Niềm đam mê sinh vật cảnh do anh dày công uốn cành, tạo thế đã được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến. Không chỉ có hộ anh Hiền, trên địa bàn xã Thư Phú hiện có nhiều hộ tham gia chuyển đổi diện tích gò cao, cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh.

Ngoài mô hình trồng hoa, cây cảnh đã mang đến cho người nông dân cuộc sống ngày càng no đủ, ở mảnh đất "trăm nghề" Thường Tín cũng hình thành nhiều mô hình chuyển đổi trong nông nghiệp hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình trồng rau an toàn ở các xã Tân Minh, Văn Phú, Thư Phú, Quất Động, Hà Hồi; mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi trồng thủy sản ở các xã Nghiêm Xuyên, Lê Lợi, Chương Dương, Minh Cường, Nguyễn Trãi...; mô hình trang trại V.A.C ở các xã Văn Tự, Vạn Điểm, Thống Nhất. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thường Tín, Hoàng Văn Nhiên cho hay, đến nay tổng diện tích chuyển đổi từ trồng lúa, hoa màu cho thu nhập thấp sang trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn, trang trại kết hợp... toàn huyện lên tới 564ha, với sự tham gia của 5.541 hộ nông dân. Ngoài diện tích và số hộ tham gia chuyển đổi đã được UBND huyện ra quyết định phê duyệt, trên địa bàn huyện còn hàng trăm héc ta đất kém hiệu quả ở các xã, thị trấn với quy mô nhỏ đã được nông dân chuyển đổi sang trồng rau an toàn, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hoàng Văn Nhiên cho biết thêm, trên cơ sở hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Hội Nông dân huyện chỉ đạo 29/29 cơ sở Hội Nông dân tiếp tục phát động hội viên nhân rộng các mô hình chuyển đổi, phấn đấu 100% số xã, thị trấn đều có 1-2 mô hình chuyển đổi trong nông nghiệp hiệu quả. Song song với việc vận động nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các cấp Hội Nông dân chủ động khai thác mọi nguồn vốn giúp nông dân vay đầu tư phát triển kinh tế. Theo đó, tổng dư nợ từ các kênh ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ nông dân, nguồn vốn giải quyết việc làm 120... toàn huyện hiện có 44 tỷ 517 triệu đồng, cho 4.027 hộ vay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi trong nông nghiệp, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm dần. Hằng năm, có khoảng 65% số hộ có hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ cây cảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.