Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm giàu ở Cao Viên

Bạch Thanh| 26/06/2011 06:48

(HNM) - Ở chợ Đồng Xuân, tôi nghe được mấy chị dân buôn quần áo kháo nhau rằng, nghề may mặc ở Cao Viên (Thanh Oai) phát triển nhanh lắm, nhiều xưởng may xuất hàng cao cấp cho các shop thời trang. Ngỡ ngàng, vì từ trước tới nay dân Cao Viên nổi tiếng với cam Canh và có chăng là giỏi buôn bán hoa quả, nông sản, cai thầu xây dựng, không ngờ nghề may mặc nay đã vang tiếng.

Cả xã đi buôn

Đến trụ sở UBND xã Cao Vân, tại phòng tiếp dân, vị cán bộ xã nói vọng ra: "Nhà báo chờ một lát nhé, lãnh đạo xã đang họp!". Anh cán bộ văn phòng phân bua: "Nhà nông có mùa có vụ, dân chúng tôi quanh năm. Bà con đi buôn bán là chính, ai cũng tranh thủ từng tý một. Nếu các chị muốn tìm hiểu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế của xã thì về mùa này không trúng rồi, phải vào dịp cuối năm cam Canh Cao Viên đỏ rực vùng đất bãi. Còn giờ là thời điểm thu hoạch lúa xuân, sản xuất vụ mùa, dân Cao Viên đang căng vì chưa thuê được người gặt, bà con đi chợ quen mối chẳng ai muốn nghỉ nên toàn phải tranh thủ".

Buổi sáng dân Cao Viên ít ra đồng, phải chiều muộn sau giờ đi chợ, đồng làng mới đông được. Trưởng thôn Bãi, Đỗ Sâm thống kê cả thôn có tới 60 đến 80% phụ nữ đi buôn bán. Chị Nguyễn Thị Thủy đi chợ Hà Nội cùng cô con gái và đứa cháu họ. Ba mẹ con bác cháu trung bình mỗi buổi cũng kiếm được 300.000 đồng, hôm nào "vào cầu" thì được 500-600.000 đồng. Chị Thủy đã ngoại ngũ tuần nhưng còn khỏe, vẫn là cây cột cái của nhà. Công to, việc lớn, sửa cửa, làm nhà đều từ tiền đi chợ nội thành của chị.

Ở thôn Bãi còn có cụ Nguyễn Trung Khánh, năm nay đã 84 tuổi, người thường bán chuối trên các con phố Hà Nội. Mỗi ngày đi bán chuối, cụ thường phải dậy từ 3h sáng. Nếu chỉ có chuối tiêu thì cả vốn lẫn lãi cũng được hơn 200.000 đồng một ngày. Ngày nào giáp rằm, mùng một, cụ thường bán chuối ngự, chuối mắn thì được 400.000 đồng. Mỗi ngày cụ đạp xe gần trăm cây số, làm việc 12-13 tiếng một ngày, mưa cũng như nắng. Con cháu thương cụ tuổi cao, không muốn cho đi bán chuối nữa, nhưng cứ bán xe đạp của cụ đi là cụ lại sắm cái mới. "Tôi còn sức là còn làm, không thể bỏ gánh chuối đi được. Con cháu hiếu thảo nhưng mình vẫn muốn lao động" - cụ Khánh cười nói. Cả gia đình cụ Khánh chắt chiu mấy chục năm từ nghề bán chuối, đến năm 2008 thì xây được ngôi nhà hơn 400 triệu đồng, trần nhà và các cột trụ đều bằng gỗ được chạm khắc theo lối cổ.

Nhà nhà đều khá

Gần trưa, sau buổi họp mới gặp được Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đăng Phượng. Tôi bảo những năm gần đây dân Cao Viên toàn chọn được nghề "hái ra tiền" nên đời sống nhân dân thay đổi nhiều. Ông Phượng cho hay, đúng là từ năm 2000 đến nay, kinh tế Cao Viên trỗi dậy mạnh mẽ, chứ không như trước chỉ biết mỗi nghề làm pháo, vừa ô nhiễm, độc hại mà công xá chẳng được bao nhiêu. Nghề làm pháo hết thời, xoay sở mãi không ổn, cuối cùng chọn cách đi buôn. Với lợi thế "cận thị", từ Cao Viên vào trung tâm thành phố chỉ 20-25 cây số nên bà con buôn bán cũng tiện. Nông sản tại chỗ có tới đâu tiêu thụ hết tới đó, chiều nào cũng có thương lái thu gom đủ loại mía, chuối, than hoa… từ các tỉnh về bán lẻ cho bà con đi chợ. Từ 3 giờ đến 6 giờ sáng, ở Cao Viên từng tốp người tỏa đi khắp nơi buôn bán; chiều về, cũng những người ấy chở từ cọng rau, thức ăn thừa về để chăn nuôi. Ông Nguyễn Đăng Phượng bảo, buôn bán ở Cao Viên là nghề không dễ hình dung bởi ở đây có 6 thôn thì mỗi thôn có cách làm ăn riêng. Thôn Đàn Viên rầm rộ gần 50 xưởng sản xuất quần áo may mặc từ bình dân tới cao cấp. Thôn Trung, thôn Đống lại có nghề xay xát, chế biến lương thực, chăn nuôi. Dân Phù Lạc làm cai xây dựng… Nhưng làm gì thì con người Cao Viên cũng tỏ ra là chịu thương chịu khó, tần tảo, tham việc, tiếc thời gian.

Cao Viên 4.200 hộ với 17.000 nhân khẩu thì có tới 90% số hộ có người buôn bán chạy chợ hoặc đi làm cai xây dựng, may mặc. Rất hiếm gặp hộ thuần nông. Điều đáng nói là đi đôi với sự giàu, người dân lo đầu tư cho con em ăn học. Từ 10 năm trở lại đây tỷ lệ con em Cao Viên thi đỗ vào các trường đại học rất cao, năm ít cũng có tới 50 học sinh, năm nhiều cũng ngót nghét 100. Do đó, ở đây xuất hiện các chủ trẻ ở tuổi chưa đến 30. Nhờ được học hành, họ thành lập công ty, làm ăn bài bản, tiếp cận nhanh với thị trường. Lớp trẻ đang hình thành một lề lối làm ăn mới ở Cao Viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu ở Cao Viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.