Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm giả bia lon 333: Trốn hơn 10 năm không thoát

HONGVAN| 02/08/2005 16:53

(HNMĐT) -  Dùng nước bia chai do Trung Quốc sản xuất, đổ vào các vỏ hộp bia 333 cũ, sau đó dập nắp hộp mới được bia 333 thành phẩm mang đi tiêu thụ, Đỗ Thị Lan (62 tuổi, trú tại 70A Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) đã thu về tiền triệu. Nhưng, hôm nay, 2-8, tại Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội, thị đã phải trả giá cho hành vi trái pháp luật của mình bằng mức án 3 năm tù giam về tội

(HNMĐT) -  Dùng nước bia chai do Trung Quốc sản xuất, đổ vào các vỏ hộp bia 333 cũ, sau đó dập nắp hộp mới được bia 333 thành phẩm mang đi tiêu thụ, Đỗ Thị Lan (62 tuổi, trú tại 70A Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) đã thu về tiền triệu. Nhưng, hôm nay, 2-8, tại Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội, thị đã phải trả giá cho hành vi trái pháp luật của mình bằng mức án 3 năm tù giam về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm".

Trước khi "dấn thân" vào nghề sản xuất bia, rượu giả, ngày 15/1/1991, Đỗ Thị Lan (nguyên là công nhân Nhà máy bia đã nghỉ hưu) đã bị Công an quận Ba Đình truy nã về tội "Sử dụng trái phép tài sản XHCN" xảy ra tại Quỹ tín dụng Thăng Long. Trong thời gian lẩn trốn lệnh truy nã, bị cáo đã đến ở nhà Phan Đăng Toàn (là bạn của Phạm Văn Hùng, con trai Lan) tại Mai Động, Sóc Sơn, Hà Nội.

Tại đây, vào khoảng tháng 7/1993, Lan cùng với Hùng, Toàn và Trần Văn Hợp (cũng ở Sóc Sơn, Hà Nội) đã quyết định cùng "góp vốn làm ăn". Dự án làm bia 333 giả ra đời. Nguyên vật liệu do cả nhóm góp vốn, còn máy viền nắp hộp bia 333 do Hùng tự thiết kế và đóng lấy. Phương án kinh doanh cũng được lập ra, trong đó Hùng, Toàn chịu trách nhiệm mua nắp bia và vỏ bia 333, Lan mua bia chai Trung Quốc về để sang chiết. Việc viền nắp bia do Hùng đảm nhiệm, Lan và Toàn đảm nhiệm việc tiêu thụ.

Với số vốn đầu tư ban đầu ít ỏi, "công nghệ" sản xuất đơn giản (dùng nước bia chai do Trung Quốc sản xuất, đổ vào các vỏ hộp bia 333 cũ và dập nắp hộp mới), nhưng nhóm này đã sản xuất ra hàng ngàn lon bia 333 giả. Mỗi thùng bia 333 đóng 24 hộp được nhóm rao bán tại các cửa hàng cơm, phở, quán giải khát không quen biết ở huyện Sóc Sơn và Đông Anh với giá từ 120-126 ngàn đồng/thùng. Chỉ trong khoảng 5 tháng (từ tháng 7/1993 đến ngày bị bắt 5/12/1993), cả nhóm sản xuất được 8.000 hộp bia 333 giả và đã tiêu thụ trót lọt 7.000 hộp.

Vụ án đã được Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra xét xử ngày 20/7/1994 với mức án 6 năm tù giam cho Hùng, Toàn về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, còn Hợp là 3 năm tù treo về tội Làm hàng giả. Riêng Lan do bỏ trốn đến ngày 14/3/2005 bị bắt lại nên hôm nay, thị mới phải chịu án.

Vân An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giả bia lon 333: Trốn hơn 10 năm không thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.