Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì khi tỷ giá tăng mạnh?

Hà Linh| 26/03/2018 07:22

(HNM) - Khác với diễn biến của thời điểm đầu năm 2017, thị trường tỷ giá biến động khá mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.


Doanh nghiệp trong nước cần chủ động với những biến động của tỷ giá. Ảnh: Khánh An


Biến động mạnh

Trong nhiều phiên giao dịch kể từ giữa tháng 3 đến nay, tỷ giá liên tục được điều chỉnh khá mạnh cả với thị trường chính thức và tự do. Sự biến động này do Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng tỷ giá trung tâm. Cụ thể, phiên giao dịch giữa tháng 3, tỷ giá trung tâm của VND với USD được công bố ở mức 22.450 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước: 22.700 VND/USD (mua vào) - 23.115 VND/USD (bán ra). Sau đó, tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh tăng 15 VND/USD, lên mức 22.465 VND/USD; còn tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra cao nhất đã "leo" lên ngưỡng 22.795 VND/USD.

Sự biến động của tỷ giá trong nước phụ thuộc khá lớn vào đà tăng giá của đồng USD trên thị trường thế giới. Đồng USD đã trải qua phiên tăng giá cao nhất trong vòng hơn 2 tuần sau phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội của Chủ tịch mới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thị trường tiền tệ, chứng khoán và nợ toàn cầu cũng đang chịu ảnh hưởng bởi nỗi lo lạm phát của Mỹ tăng và có thể khiến FED tăng lãi suất hơn 3 lần trong năm nay như dự kiến. Điều này được dự báo cũng sẽ tạo áp lực lớn lên VND.

Thống kê cho thấy, trong vòng 1 tháng, giá USD đã tăng 70 VND/USD, mức tăng cao so với nhiều thời điểm trước.

Nên áp dụng lãi suất khi gửi USD

Lý giải về việc tỷ giá tăng cao, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong những phiên vừa qua, tỷ giá trong nước đã bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố khách quan, cũng như những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Các yếu tố bên ngoài là việc FED có khả năng tiếp tục tăng lãi suất, bất chấp thị trường chứng khoán đã phản ứng giảm điểm. Nếu lãi suất USD tăng, giá trị USD tăng, gây áp lực lên tỷ giá. Các yếu tố khác, trong đó có việc bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, có thể tạo ra các khủng hoảng, từ đó đẩy giá trị đồng USD lên cao.

Ngoài ra, việc tiếp tục áp dụng lãi suất tiền gửi USD bằng 0% cũng là nguyên nhân gây ra biến động của tỷ giá. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Việc không trả lãi suất cho tiền gửi USD đúng với chủ trương chống đô la hóa, nhưng mặt khác lại tạo áp lực lên tỷ giá do các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động USD”.

Lãi suất USD đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm xuống 0% từ cuối năm 2015 nhằm giảm kỳ vọng của người dân với USD. Việc áp dụng lãi suất 0% với tiền gửi USD của doanh nghiệp, cũng như cá nhân đã tác động tích cực tới thị trường ngoại tệ trong nước, xóa bỏ tình trạng đầu cơ. Đồng USD đã được đưa về giá trị thực, không còn những “cơn sốt”. Nhưng, đã đến lúc cần xem xét có nên trả lãi suất tiết kiệm cho USD nhằm thu hút lượng tiền tích trữ trong dân để đưa vào nền kinh tế. Trên thực tế, mặc dù lãi suất áp dụng là 0% đối với USD, nhưng một số ngân hàng vẫn tìm cách “tặng thêm” lãi suất cho khách hàng để thu hút khách gửi USD. Mặc dù lãi suất “lách” quy định này không cao, nhưng đủ để khuyến khích người dân gửi USD tại ngân hàng thay vì giữ USD ở nhà. Do đó, ngành chức năng nên xem xét, có thể điều chỉnh lãi suất USD lên mức 0,5-1%/năm vì nền kinh tế đã ổn định trở lại, những kỳ vọng về đồng USD cũng không còn như trước.

Tỷ giá cũng chịu ảnh hưởng lớn từ nhập khẩu. Nếu nhập khẩu lớn sẽ khiến nhu cầu ngoại tệ tăng cao. Đó là chưa kể đến trả nợ công bằng ngoại tệ ngày càng nhiều, mỗi năm Chính phủ đều cần một lượng ngoại tệ lớn trả nợ nước ngoài. Cầu ngoại tệ lớn trong khi nguồn cung hạn chế càng gây áp lực lên tỷ giá.

Dự báo tăng của tỷ giá đã khiến không ít người lo ngại về những tác động tới lạm phát. Thực tế đã chứng minh, lạm phát và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ, vì vậy những biến động của tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Nếu tỷ giá tăng sẽ khiến giá hàng nhập khẩu tăng, từ đó dẫn đến mặt bằng giá hàng hóa trong nước hay chỉ số giá tiêu dùng tăng. Ngoài ra, nhiều hàng hóa nhập khẩu cũng là nguyên liệu đầu vào của một số đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trong nước, làm giá các loại hàng hóa trong nước tăng. Lạm phát của năm 2018 được kỳ vọng sẽ kiểm soát ở mức 4%. Con số này là khả thi, nhưng với những biến động khó lường cả trên thị trường thế giới và trong nước, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần những chỉ đạo, điều hành linh hoạt hơn.

Mặc dù có những dự báo không mấy lạc quan về tỷ giá, song sự biến động của tỷ giá chủ yếu do những yếu tố khách quan từ nền kinh tế thế giới, khi đồng USD liên tục tăng cao, không phải do nhu cầu đột biến về USD của thị trường trong nước. Tuy chỉ là dự báo, nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng cần có sự chuẩn bị để ứng phó với việc tỷ giá tăng cao để tránh những thiệt hại không đáng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì khi tỷ giá tăng mạnh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.