(HNMO) - Khi có tiền nhàn rỗi, với nhiều người, gửi tiết kiệm tại ngân hàng là kênh đầu tư được họ lựa chọn bởi sinh lời thấp nhưng độ an toàn cao.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều trường hợp sổ tiết kiệm của khách hàng bỗng nhiên bị “bốc hơi” dù chủ sổ không hề giao dịch. Chẳng hạn như năm 2015, khách hàng tại một ngân hàng lớn tố cáo sổ tiết kiệm của mình bị đem cầm cố, thế chấp; hay năm 2016 một khách hàng cũng của một ngân hàng thương mại lớn, tố cáo cán bộ ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm; gần đây nhất là vụ 17 sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 triệu đồng tại một ngân hàng thương mại “không cánh mà bay”... Dù diễn ra không phổ biến nhưng tiền gửi trong sổ tiết kiệm bị “bốc hơi” không còn là chuyện hy hữu. Điều này đã phần nào khiến người gửi tiền lo ngại.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Qua các vụ mất tiền gửi tiết kiệm cho thấy, đa số rơi vào những trường hợp người gửi tiền quá tin tưởng nhân viên ngân hàng nên không giao dịch gửi tiền theo đúng quy trình, quy định của ngân hàng. Nhiều khách hàng không trực tiếp đến quầy để giao dịch mà gọi nhân viên ngân hàng đến tận nhà hay chỗ làm việc thu tiền và làm sổ tiết kiệm, hoặc có người tin tưởng giao dịch viên, đưa tiền cho giao dịch viên làm sổ.
Một điều dễ nhận thấy ở các vụ mất tiền trong sổ tiết kiệm là khách hàng nhiều khi không nắm được tình trạng của các khoản tiết kiệm của mình mà chỉ đơn giản cầm và tin tưởng vào thông tin được in trên sổ. Chỉ đến khi có nhu cầu sử dụng hoặc đến ngày đáo hạn, khách hàng mới “tá hỏa” khi biết tiền bị “bốc hơi” lúc nào mà không hay.
Với những nguyên nhân trên, lời khuyên được đưa ra là khách hàng cần thực hiện đúng quy trình gửi tiền, tuyệt đối không gọi nhân viên ngân hàng đến nhà hoặc đến cơ quan giao dịch mà phải trực tiếp đến ngân hàng giao dịch. Đặc biệt, khách hàng tuyệt đối không ký sẵn bắt cứ chứng từ nào khi chứng từ đó còn trống nếu nhân viên ngân hàng yêu cầu.
Bên cạnh đó, một việc không thể không làm là khi nhận sổ tiết kiệm, người gửi tiền cần kiểm tra thật cẩn thận họ tên, số tiền được ghi trên sổ, lãi suất, thời hạn gửi, con dấu của ngân hàng, đặc biệt là các chữ ký của những bộ phận liên quan.
Một biện pháp nữa cũng được khuyến khích người gửi tiền sử dụng là kiểm tra lại số dư sổ tiết kiệm ngay khi gửi trên Internet Banking hay Mobile Banking và bảo quản tài khoản truy cập ngân hàng điện tử cẩn thận. Trên thực tế, dịch vụ kiểm tra số dư trên Internet Banking, Mobile Banking đã có từ lâu, và hiện nay có thêm cách khác nữa là truy vấn tài khoản tiền gửi qua SMS Banking. Với cách này, chỉ nhắn tin trên điện thoại, khách hàng có thể kiểm tra được ngay thông tin chi tiết tất cả các khoản tiền của mình đang có tại ngân hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.