(HNMO) - Những năm gần đây, hầu như năm nào hồ Tân Xã nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) cũng xảy ra tai nạn đuối nước. Thế nhưng, bất chấp cảnh báo nguy hiểm, người dân, đặc biệt là trẻ em ở các xã lân cận vẫn cố tình bơi lội ở khu vực nguy hiểm dù đã có biển “cấm bơi”. Làm thế nào để phòng chống đuối nước tại hồ Tân Xã là câu hỏi cần sớm có lời giải khi nhu cầu bơi lội của nhân dân vào mùa hè rất lớn.
Hồ Tân Xã là hồ tự nhiên, trước đây thuộc địa giới hành chính của xã Tân Xã (huyện Thạch Thất). Thực hiện Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 9-4-2002 của UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội) về việc thu hồi 1.298,86ha đất thuộc các xã: Tân Xã, Hạ Bằng, Thạch Hòa, Bình Yên (huyện Thạch Thất) để giao cho Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc quản lý, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, hồ Tân Xã nằm trong ranh giới thực hiện Dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hiện, xung quanh hồ Tân Xã đã được xây kè, làm đường dạo xung quanh, trồng cây xanh…, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hằng năm, vào mùa hè, rất đông người dân ở các lứa tuổi, trong đó chủ yếu là trẻ em đã đến hồ Tân Xã bơi lội, biến nơi đây thành “bãi tắm” tự phát của huyện Thạch Thất.
Về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc Bùi Tuấn Khanh cho biết, mặc dù Ban thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm cấm bơi, nhưng nhiều người dân vẫn cố tình bơi lội ở những nơi nước sâu, đặc biệt không sử dụng phao, dụng cụ nổi; trẻ em tắm, bơi tự do khi thiếu kỹ năng phòng chống đuối nước, thiếu sự giám sát, quản lý của người lớn, nên hầu như năm nào tại hồ Tân Xã cũng xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
Vụ đuối nước thương tâm xảy ra vào ngày 5-6 vừa qua tại hồ Tân Xã cướp đi sinh mạng của một học sinh là một điển hình của tình trạng nói trên. Theo ông Bùi Tuấn Khanh, sau khi nhận được tin báo, Ban Quản lý đã chủ động liên hệ với các lực lượng chức năng của huyện, các xã lân cận tham gia tìm kiếm cứu nạn. Do nạn nhân bị đuối nước ở khu vực nước sâu nên việc tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Đến 22h45 cùng ngày, các lực lượng mới tìm thấy nạn nhận là em K.K.H, sinh năm 2007, xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất).
Trước đó vào mùa hè năm 2022, tại hồ Tân Xã cũng xảy ra vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 1 nam sinh viên Trường Đại học FPT nằm trong khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thực tế tại khu vực đập Quán Trăn (thuộc hồ Tân Xã) vào khoảng 15h30 ngày 6-6, một ngày sau vụ đuối nước gần nhất, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận vẫn có người xuống hồ bơi ở một số điểm đã được cảnh báo nguy hiểm.
Khi được hỏi tại sao mọi người vẫn xuống bơi, bất chấp biển cảnh báo, một người phụ nữ trung tuổi ở xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) chuẩn bị xuống hồ bơi, cho biết: “Chúng tôi sử dụng phao khi xuống bơi nên không lo đuối nước…”. Quan sát tại một số điểm khác quanh hồ Tân Xã, cũng có nhiều người xuống bơi lội. Nhiều hàng quán cho thuê phao, dụng cụ nổi, bán nước... cũng ngang nhiên chiếm đường dạo ven hồ để bày bán.
Nói về hồ Tân Xã, Chủ tịch UBND xã Tân Xã Trần Văn Hòa thông tin, mấy năm gần đây, số người dân đến vui chơi, cắm trại, tham quan tại hồ rất đông. Vào mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng, hàng trăm người từ nhiều địa phương trong huyện đến đây để tắm, bơi lội. Do hồ thuộc quyền quản lý của Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, nên để phòng chống đuối nước, những năm gần đây, UBND xã liên tục có văn bản đề nghị Ban lắp biển cảnh báo vùng nước sâu cấm bơi; kiểm tra, nhắc nhở, không cho người dân xuống tắm… Nhưng do hồ quá rộng, ý thức người dân còn hạn chế, nên bất chấp cảnh báo, nhiều người dân vẫn xuống hồ bơi lội.
Được biết, trước thực trạng trên, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục phối hợp với UBND các xã lân cận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về phòng chống đuối nước, tuyệt đối không bơi lội tại hồ Tân Xã. Bên cạnh đó, cũng đề nghị huyện Thạch Thất tăng cường tổ chức các lớp dạy bơi cho nhân dân, phổ cập bơi cho trẻ em, chú trọng truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ em.
“Khó khăn lớn nhất ở đây là hồ rộng, khoảng 150ha (mùa mưa) và 85ha (mùa cạn); lực lượng bảo vệ của khu công nghệ cao Hoà Lạc mỏng, chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, không được xử phạt, trong khi ý thức người dân chưa cao nên công tác quản lý gặp khó khăn. Do đó, để phòng chống triệt để nạn đuối nước cần sự vào của chính quyền các xã lân cận, đặc biệt là ý thức của người dân. Chỉ khi nào ý thức của người dân được nâng lên mới có thể phòng chống được đuối nước tại hồ Tân Xã”, ông Bùi Tuấn Khanh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.