(HNM) - Phố cổ Hà Nội với hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc và nhiều làng nghề truyền thống lâu đời có sức hút mạnh mẽ với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Theo thống kê của các đơn vị lữ hành lớn, khoảng 60% lượng khách khi tham gia vào những hành trình du lịch khu vực
Sức hút từ phố cổ
Khu vực phố cổ Hà Nội hiện có 121 công trình, di tích đền, chùa, miếu và hơn 1.000 công trình nhà ở có giá trị, trong đó có hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có thể kể đến những di tích nổi tiếng như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân 40-42 Hàng Bạc... Và nói đến Hà Nội cũng là nói đến những phố nghề. Những con phố này trước kia là nơi quy tụ thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa. Theo thời gian, những con phố này không còn bày bán những sản phẩm truyền thống như trước nữa, nhưng một số phố vẫn còn lưu giữ lại nghề truyền thống như Hàng Bạc với nghề chế tác bạc hay Hàng Đường với nghề làm bánh kẹo.
Phố cổ Hà Nội là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. Ảnh: Nguyên Sơn |
Hà Nội cũng có một cây cầu mang nhiều dấu ấn lịch sử, đó là cầu Long Biên. Cách phố cổ vài bước chân, cầu có chiều dài 1.682m, nối liền hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Trụ vững qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, cầu Long Biên được coi là biểu tượng về một thời kỳ khó khăn nhưng anh hùng của Thủ đô. Một điểm nhấn đặc biệt của Hà Nội là chợ đêm phố cổ. Chợ đêm được tổ chức từ 18h đến 23h các tối thứ sáu, bảy và chủ nhật hàng tuần. Chợ được tổ chức trên một tuyến phố dài, bắt đầu từ phố Hàng Đào và kết thúc tại cổng chợ Đồng Xuân. Vào tối thứ bảy hàng tuần, tại 2 đầu chợ có các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian như chèo, xẩm, quan họ, ca trù… Chợ đêm phố cổ quy tụ gần 4.000 gian hàng bán đủ thứ từ thời trang đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm… với giá cả hợp lý.
Ông Phạm Thế Phong, Giám đốc Trung tâm Vietnam Explore Holidays Vietrantour cho biết, dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, phố cổ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch quốc tế, bởi ít nhiều nơi đây vẫn giữ được những nét độc đáo và đặc biệt là những món ăn ngon nức tiếng. Bên cạnh đó, số ít người dân nơi đây vẫn lưu giữ và tiếp tục phát triển những nghề truyền thống mà cha ông đã để lại. Người dân phố cổ cũng có nét văn hóa riêng, từ tập tục đến phong cách sống và đây là điều không nơi nào có được.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Phố cổ là sức hút chính của Hà Nội với du khách, tuy nhiên dù đã được khai thác từ rất lâu nhưng du lịch phố cổ vẫn chưa phát triển tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có. Năm 2014, lượng khách du lịch quốc tế đến tham quan khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm đạt 864.000 lượt. Phố cổ có nhiều điểm, di tích để tham quan, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống phong phú, giàu bản sắc song chưa được kết nối thành tour tuyến một cách chuyên nghiệp, doanh nghiệp và nhà quản lý vẫn chưa có chung tiếng nói. Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Golden Tour cho hay: "Hiện tại có rất nhiều điểm bán hàng trong phố cổ nhưng DN lữ hành chúng tôi không có thông tin đâu là cửa hàng đạt chuẩn để giới thiệu với du khách". Ông Phạm Thế Phong cũng cho biết, hiện nay du khách quốc tế biết đến Hà Nội chỉ qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên. Hà Nội xưa chưa đượcphục dựng thành bảo tàng, mô hình trực quan, video sống động… để giúp du khách có thể hình dung toàn diện về một Hà Nội xưa - điều này nếu thành hiện thực thì sẽ hấp dẫn du khách nhiều hơn. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại phố cổ cũng còn ít và thiếu các hoạt động trải nghiệm văn hóa (ẩm thực, trang phục, phong cách sống - homestay…) đáp ứng nhu cầu nghe, nhìn và học hỏi của du khách. Mặt khác, nhiều gánh hàng rong, đánh giày tại khu vực phố cổ thường chèo kéo, chặt chém du khách với giá dịch vụ, sản phẩm gấp 10 lần bình thường khiến cho tình hình an ninh trật tự ở khu phố cổ trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.
Gần đây, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá giới thiệu nghề, sản phẩm thủ công truyền thống, tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian như múa rối, hát tuồng, chầu văn hằng tuần để giúp du khách có thêm thông tin và hiểu hơn về Hà Nội. Tháng 3-2014, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã cho ra đời một số sản phẩm độc đáo để phục vụ khách du lịch. Chỉ với 150.000 đồng/vé, khách du lịch không chỉ được thưởng thức các tiết mục tuồng cổ đặc sắc, mà còn được tham gia hoạt động tương tác như: Vẽ mặt nạ tuồng, mặc quần áo diễn chụp ảnh, tham quan các đạo cụ diễn tuồng và giao lưu với các nghệ sĩ. Nhà hát Tuồng Việt Nam đang có kế hoạch cùng với Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức các buổi trình diễn tại các ngôi nhà du lịch, những lễ hội hóa trang đường phố trong một số dịp nhất định để quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống này đến với du khách.
UBND quận Hoàn Kiếm cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển Trung tâm Thương mại Hàng Da (Hàng Da Galleria), nằm ở trung tâm phố cổ thành một điểm mua sắm, tham quan, trình diễn nghệ thuật truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề kết hợp với thưởng thức ẩm thực. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, năm 2015 quận tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu du lịch khu phố cổ Hà Nội, triển khai các dự án trùng tu công trình có giá trị, khôi phục phố nghề, đình thờ tổ nghề, tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, hỗ trợ xây dựng các tour, tuyến điểm, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Hy vọng với những nỗ lực của cấp quản lý cùng với sự đồng tình của người dân, phố cổ Hà Nội sẽ ngày càng thu hút được nhiều du khách và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của khách nước ngoài khi đến Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.