Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam?

Mai Hoa| 14/04/2013 06:21

(HNM) - Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 (gọi tắt là Đề án 641) với mục tiêu "phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ của người Việt Nam".

Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn, hạn chế làm chậm tiến độ của đề án quan trọng này. Phải làm gì để nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam? Phương pháp triển khai như thế nào để đạt được hiệu quả thực sự, đáp ứng kịp thời tiến độ thực hiện? Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại cùng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành - Giám đốc điều phối Đề án 641.

Nâng cao chất lượng giống nòi - yêu cầu cấp thiết

- Thưa ông, ai cũng thừa nhận yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam, vì đó là vấn đề cực kỳ quan trọng, liên quan đến việc nâng cao chất lượng giống nòi…

- Đúng vậy. Chính vì sự quan trọng ấy nên Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm phát triển yếu tố con người, để phục vụ các nhiệm vụ qua từng giai đoạn. Tuy nhiên, so với các tiêu chuẩn chung của quốc tế, thể lực và tầm vóc người Việt Nam còn khiêm tốn, thua kém nhiều nước trong khu vực. Tình trạng này nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực vốn đứng trước yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ông Lâm Quang Thành.


- Có thể nói đây là vấn đề mang tầm vĩ mô, liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ?

- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ở nước ta có một đề án tổng thể về phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần cải tạo giống nòi. Vì vậy, đề án này rất mới, cần có sự vào cuộc của cả xã hội và nhiều lĩnh vực liên quan khác. Trong khi đó, nhận thức, thói quen về rèn luyện thân thể, chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường… của người dân rất hạn chế. Đa số gia đình còn “thả nổi” việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em từ 6 tuổi đến hết tuổi dậy thì, bỏ lỡ thời kỳ thuận lợi phát triển về thể lực và tầm vóc con người. Mặt khác, chúng ta còn thiếu các giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng - TDTT…

- Đó là còn chưa kể cái khó về kinh phí - yếu tố rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này?

- Kinh phí để thực hiện đề án từ nguồn ngân sách là rất hạn hẹp, bị ràng buộc bởi cơ chế chính sách, chế độ chi tiêu, chính sách đối với tài trợ từ cộng đồng và xã hội… Thực sự là chúng tôi rất cần một cơ chế đặc thù.

- Ông nghĩ thế nào về sự thua kém về thể lực, tầm vóc của người Việt Nam so với các nước Châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore?

- Hiện nay, nam thanh niên Việt Nam 20 tuổi cao hơn 4,7cm so với năm 1975 (163,7cm và 159cm); nữ cao hơn 4cm (153cm và 149cm). Nhịp độ tăng trưởng này vẫn còn chậm nếu tính đến yếu tố phát triển bù sau chiến tranh và tiềm năng còn lớn. Bằng chứng là từ năm 1950 đến 1980, người Nhật tăng chiều cao thân thể trung bình 3,3cm trong 10 năm, khiến thanh niên 20 tuổi cao hơn hẳn 10cm so với người 40-50 tuổi. Do chậm phát triển nên so với chuẩn quốc tế, tầm vóc nam thanh niên 18 tuổi của ta thua kém 13,1cm (163,7cm và 176,8cm), tầm vóc nữ thanh niên thua kém 10,7cm (153cm và 163,7cm). So với Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thân thể của thanh niên ta đều thua kém rõ rệt. Ngoài ra, do thiếu vận động nên tố chất thể lực (đặc biệt là sức bền và sức mạnh) của thanh niên Việt Nam vào loại kém và rất kém so với Nhật Bản hoặc so với chuẩn quốc tế.

- Phải chăng các nước này đã có những chương trình tương tự như Đề án 641 và họ đã thực hiện khá hiệu quả?

- Thực tế cho thấy nhiều quốc gia Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, đã sớm chú trọng thực hiện chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc con người ngay sau đại chiến thế giới lần thứ II, nhờ đó đã đạt được những kết quả rõ rệt, góp phần tạo nên những bước nhảy thần kỳ trong phát triển kinh tế.

- Quyết định phê duyệt Đề án 641 của Chính phủ đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể cho chương trình, ví như năm 2020, chiều cao trung bình nam 18 tuổi đạt 167cm, nữ 18 tuổi đạt 156cm; năm 2030, các con số tương ứng là 168,5cm nam và 157,5cm nữ. Với tốc độ hiện tại, ông có tự tin đề án có thể đạt các mục tiêu đề ra?

- Tôi tin có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đề ra, cho dù tiến độ có bị chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, với khối lượng công việc đồ sộ và với những khó khăn đã nêu, có thể chúng tôi phải xin phép giãn tiến độ.

Bốn chương trình - hơn 5.000 tỷ đồng?

- Trong quyết định phê duyệt Đề án 641, Chính phủ đã xác định bốn chương trình của đề án, trong đó Bộ Y tế chủ trì hai chương trình về giải pháp dinh dưỡng. Đâu là điểm nhấn cho các chương trình này, thưa ông?

- Bộ Y tế chủ trì hai chương trình, bao gồm: chương trình thứ nhất “Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam” và chương trình thứ hai là “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan”. Hai chương trình này chú trọng việc nghiên cứu các yếu tố dinh dưỡng tác động đến tầm vóc trẻ em, tình hình bệnh tật ở trẻ, giáo dục truyền thông, đề xuất chuẩn thực đơn dinh dưỡng, xây dựng và triển khai chương trình sữa học đường đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học…

- Vậy còn hai chương trình do Bộ VH-TT&DL chủ trì về tăng cường giáo dục thể chất - tuyên truyền. Ông có thể nói rõ hơn về hai chương trình này?

- Đó là chương trình thứ ba “Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 đến 18 tuổi” và chương trình thứ tư “Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam”. Trong đó, có thể nói, chương trình thứ ba chính là “xương sống” của đề án, nhắm trực tiếp đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam. Đối tượng của chương trình là học sinh từ 3 đến 18 tuổi ở các trường mầm non tới THPT. Thông tin cơ bản là vậy.

- Theo một số nguồn thông tin, riêng dự toán cho chương trình thứ ba - chương trình “xương sống” của đề án - đã là gần 5.000 tỷ đồng. Cộng thêm ba chương trình còn lại, kinh phí chắc phải lên đến 5.000 - 6.000 tỷ đồng, thưa ông? Ông nhìn nhận thế nào về con số này?

- Đây là một chương trình quốc gia đặc biệt đối với thể lực và tầm vóc của một dân tộc, kéo dài tới 20 năm thì không thể nói là ít hay nhiều được. Hơn nữa, đề án này gồm bốn chương trình thành phần nghiên cứu, tác động lên gen, dinh dưỡng, tập luyện TDTT cho trẻ đến 18 tuổi, đồng thời tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để làm thay đổi hành vi của toàn xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam thì dù có thể phải đầu tư 5.000 - 6.000 tỷ đồng, cũng rất đáng làm. Vấn đề là làm thế nào để nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam; đồng thời, huy động được nguồn lực trong toàn xã hội để họ quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, nhằm thực hiện được mục tiêu của đề án.

- Nếu chỉ trông đợi hoàn toàn vào ngân sách sẽ rất khó thực hiện đề án. Ông xác định những hướng đi nào nhằm huy động thêm nguồn vốn để có thể chủ động, linh hoạt hơn trong việc triển khai đề án?

- Quyết định của Thủ tướng đã nêu rõ, kinh phí thực hiện đề án gồm các nguồn: Ngân sách nhà nước (TƯ và địa phương), xã hội hóa, huy động các nguồn ODA, vốn tín dụng ưu đãi, các nguồn thu từ cá cược thể thao… Trong đó, ngân sách TƯ bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thí điểm, kết hợp biện pháp dinh dưỡng và phát triển thể thao trường học; khuyến khích và hỗ trợ thực hiện chương trình sữa học đường; kinh phí thông tin - truyền thông; quản lý đề án hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Còn ngân sách địa phương bảo đảm xây dựng CSVC TDTT và các điều kiện phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học, chăm sóc dinh dưỡng học đường, thực hiện chương trình sữa học đường…

- Có thể hiểu, ngân sách của nhà nước chỉ cấp cho hoạt động vĩ mô và hỗ trợ vùng sâu, vùng xa là chủ yếu, còn lại phần lớn phải từ nguồn của địa phương và đặc biệt là nguồn xã hội hóa, thưa ông?

- Đúng vậy. Trong đó, nguồn vốn huy động từ ODA, xã hội và tài trợ sẽ tập trung phục vụ cho các hoạt động thi đấu TDTT trường học, xây dựng CSVC tập luyện TDTT, dinh dưỡng học đường.

Thước đo xác định hiệu quả

- Thực tế cho thấy, ai cũng coi trọng vấn đề đề án đặt ra, về nhiệm vụ nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Có điều, vẫn tồn tại tâm lý nghi ngờ về thước đo thực sự hiệu quả của đề án, bởi có rất nhiều chương trình khác cũng nhắm đến các mục tiêu này. Làm thế nào để xác định được hiệu quả riêng biệt thực sự của đề án, chứ không phải là chuyện “ăn theo” các chương trình khác, thưa ông?

- Mỗi chương trình đều đặt ra mục tiêu và thu được kết quả khác nhau. Đề án 641 có mục tiêu và tiêu chí đánh giá về thể lực và tầm vóc của con người Việt Nam theo từng nhiệm vụ, tiêu chí của đề án.

- Vậy đâu là các tiêu chí thực sự thể hiện hiệu quả của đề án?

- Đề án 641 đã đặt ra các tiêu chí rất cụ thể, toàn diện đối với thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030. Thứ nhất, nâng nhận thức để làm thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng, cải thiện các chỉ số cơ bản của trẻ em 5 tuổi và bảo đảm các tiêu chí đánh giá thể lực, tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam lứa tuổi trưởng thành. Thứ hai, cải thiện tầm vóc thanh niên Việt Nam với nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí: Đối với nam 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình 167cm, năm 2030 là 168,5cm; nữ năm 2020 cao trung bình 156cm, năm 2030 là 157,5cm.

- Ông có thể cho biết thêm về chỉ tiêu cải thiện thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh, nhằm thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển ở Châu Á?

- Tất cả đều có con số đánh giá cụ thể. Với nam 18 tuổi, chỉ tiêu đề ra là chạy tùy sức 5 phút đạt trung bình 1.050m năm 2020 và 1.150m năm 2030; lực bóp tay thuận đạt trung bình 45kg năm 2020 và 48kg năm 2030. Còn đối với nữ, các con số tương ứng là chạy 5 phút đạt 850m năm 2020 và 1.000m năm 2030; lực bóp tay thuận đạt 30kg năm 2020 và 34kg năm 2030.

- Đích đến quan trọng nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giá trị nghiên cứu của đề án chính là tạo cơ sở thông tin giúp các cơ quan quản lý và chuyên môn xây dựng các cơ chế, chính sách thích hợp cho mục tiêu này. Ông có thể nói gì về chuyện này?

- Mục tiêu của đề án không chỉ là tạo cơ sở thông tin để các cơ quan quản lý và chuyên môn xây dựng các cơ chế chính sách cho mục tiêu này, mà còn là nâng cao nhận thức để làm thay đổi hành vi của mọi thành viên trong xã hội. Qua đó, tạo nên phong trào mỗi người, mỗi gia đình đều quan tâm đến việc giáo dưỡng cho trẻ từ trong bào thai để có những thế hệ nối tiếp nhau phát triển về thể lực, trí lực, chiều cao thân thể, nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Thời gian tới, Văn phòng điều phối đề án cần làm gì để triển khai nhanh tiến độ công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

- Văn phòng Ban điều phối là cơ quan giúp việc Ban điều phối, giúp Ban điều phối xây dựng kế hoạch, theo dõi, đánh giá định kỳ trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Thời gian qua, văn phòng đã từng bước ổn định về tổ chức, xây dựng kế hoạch triển khai đề án, khảo sát 12 tỉnh trọng điểm, tổ chức hội thảo, hội nghị nghiệm thu nội dung bốn chương trình để trình Ban điều phối phê duyệt.

Sắp tới, Văn phòng Ban điều phối sẽ tiếp tục chỉ đạo các chương trình xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện trong 5 năm đầu, đặc biệt là trong năm 2013 để triển khai đến 12 tỉnh, thành trọng điểm. Một việc rất quan trọng nữa là phải soạn thảo thông tư hướng dẫn quản lý chi tiêu ngân sách theo chế độ đặc thù của đề án. Một hội nghị triển khai đề án trên phạm vi toàn quốc cũng sẽ sớm được tổ chức.

- Cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.