Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để giảm thiểu rủi ro?

Hương Ly| 30/03/2013 06:39

(HNM) - Trung bình mỗi năm tại Việt Nam, bão, lũ và các thiên tai khác gây thiệt hại khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP. Nếu sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, việc khắc phục hậu quả thiên tai tái thiết kinh tế sẽ được thực hiện nhanh chóng.


1,5% GDP - Thiệt hại khổng lồ do thiên tai

Những năm gần đây, thiên tai tại Việt Nam xảy ra ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng. Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, trong giai đoạn 1990-2010, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, với 445 người chết và thiệt hại khoảng 1,8 tỷ USD mỗi năm. Theo tính toán của Tập đoàn Bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ), năm 2008, lụt lội đã gây ảnh hưởng tới 5 triệu người và gây tổn thất 479 triệu USD; năm 2009, bão đã gây ảnh hưởng tới 9 triệu người và làm tổn thất 785 triệu USD. Mỗi năm, bão lũ và các nguy cơ thiên tai khác đã gây ra thiệt hại kinh tế tương đương 1,5% GDP của Việt Nam.

Thiên tai đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Quang Cường



Mặc dù thiệt hại do thiên tai gây ra hằng năm cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam rất lớn song trên thực tế, việc mua bảo hiểm và lập quỹ dự phòng rủi ro cho lĩnh vực này lại chưa được quan tâm xứng đáng. Đa số các chính phủ thường không mua bảo hiểm hoặc tự bảo hiểm cho trường học, bệnh viện, cầu đường… Tài sản và sinh kế của số đông dân cư thường không có bảo hiểm mà chỉ trông chờ vào hỗ trợ của chính phủ sau khi thiên tai xảy ra thông qua các chương trình hỗ trợ sinh kế và hoạt động tái thiết hậu thảm họa. Chỉ có tài sản của các DN lớn và cư dân giàu có được bảo hiểm tại các thị trường riêng.

Trên thực tế việc phân bổ lại ngân sách đã duyệt theo kế hoạch hàng năm của một số quốc gia rất khó khăn. Khi thiên tai bất ngờ xảy ra, nếu chính phủ không có biện pháp phòng ngừa hay khoản dự phòng rủi ro, biện pháp duy nhất là phải vay nợ nước ngoài để khắc phục hậu quả. Điều này khiến ngân sách nhà nước tăng thêm gánh nặng và quá trình khắc phục hậu quả thiên tai cũng sẽ không được thực hiện nhanh chóng, bởi nguồn tài chính phụ thuộc vào việc khoản vay đó sẽ được đàm phán nhanh hay chậm. Đồng thời, do lo ngại về hậu quả thiên tai, khả năng các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, rời bỏ thị trường có thể xảy ra, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Có thể ứng phó

Tại hội thảo về "Đối phó với rủi ro ở quy mô quốc gia" do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Swiss Re đã đưa ra nhiều giải pháp tài chính nhằm phòng ngừa rủi ro thiên tai. Theo tính toán của các chuyên gia, nguồn dự phòng tài chính (ngân sách quốc gia) của các quốc gia trên thế giới mới chỉ bù đắp trung bình khoảng 30% các thiệt hại kinh tế do thảm họa thiên tai gây ra. Trong khi đó, những vấn đề như an ninh lương thực, an sinh xã hội, việc phục hồi các dự án, cơ sở hạ tầng sau khi thiên tai xảy ra lại cần một nguồn tài chính rất lớn có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chính sách tài khóa của các quốc gia. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nghiên cứu, tài trợ cho các chương trình bảo hiểm đối phó với rủi ro mang tầm quốc gia như các bảo hiểm về nông nghiệp, hưu trí, cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy thương mại hàng hóa… Tùy thuộc vào đặc thù của mỗi quốc gia, các nước có thể đặt thứ tự ưu tiên cho việc tài trợ các chương trình này cho phù hợp với thực tế.

Việc thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai cũng là một trong những đề xuất của các chuyên gia nhằm phòng ngừa rủi ro thiên tai. Đây là một dạng quỹ tài sản chung, do nhiều công ty bảo hiểm đóng góp, nhằm bảo hiểm cho các rủi ro lớn, vượt quá khả năng chi trả của một nhà bảo hiểm riêng lẻ. Ông Ivo Mensinger, phụ trách thị trường Châu Á, Ủy ban Hợp tác quốc tế của Swiss Re cho biết: Nhiều quốc gia đã phải đối phó với tình trạng lũ lụt khiến các khu công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và chính phủ đã rất lo ngại trước khả năng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn, đầu tư sang quốc gia khác. Để tạo dựng niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ mỗi nước cần có biện pháp giảm thiểu thiệt hại và việc mua bảo hiểm thiên tai sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngay sau hội thảo "Đối phó với rủi ro ở quy mô quốc gia", Cục Quản lý - giám sát bảo hiểm, Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) và Swiss Re cho biết sẽ phối hợp xúc tiến thành lập Quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai cho Việt Nam. Trong năm 2013, Vinare sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, các tổ chức bảo hiểm trong, ngoài nước xây dựng và phát triển giải pháp về khung pháp lý, tiếp thu kinh nghiệm từ thị trường bảo hiểm trong khu vực nhằm xây dựng "kịch bản" bảo hiểm thiên tai cho Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để giảm thiểu rủi ro?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.