Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạm dụng xét nghiệm y tế: Ai lợi, ai thiệt?

Vân Anh| 24/08/2013 06:33

(HNM) - Tình trạng lạm dụng xét nghiệm đang khiến cho người bệnh phải chịu nhiều chi phí không cần thiết, thậm chí ảnh hưởng đến cả kết quả điều trị bệnh.

Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân phải làm những xét nghiệm (XN) không cần thiết xuất phát từ những động cơ khác nhau: Để bảo đảm an toàn cho quá trình điều trị nên các BV không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, để trục lợi từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), để nâng cao "hiệu quả" của xã hội hóa (XHH) y tế. Nhưng, có lẽ nguyên nhân tác động nhiều nhất đến tình trạng lạm dụng XN là do mặt trái của một chủ trương đúng đắn: XHH hoạt động y tế.

Việc lạm dụng chỉ định xét nghiệm y tế gây tốn kém không cần thiết cho bệnh nhân.
Ảnh: Bảo Kha



Hiện cả nước có khoảng 1.000 BV công, hơn 100 BV tư nhân, hàng nghìn phòng khám và cơ sở xét nghiệm. Theo đánh giá của Bộ Y tế, hầu hết BV công lập từ tuyến huyện trở lên đều có đầu tư XHH, mà bản chất là liên doanh, liên kết cùng khai thác với nhà đầu tư tư nhân. Báo cáo 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ tại BV công cho thấy, chỉ riêng số tiền mà các BV thuộc Bộ Y tế đầu tư, lắp đặt thiết bị để cùng khai thác lên đến 700 tỷ đồng. Không chỉ BV trung ương, các BV tỉnh, huyện cũng rất "tích cực" XHH và nhiều trường hợp, chủ đầu tư chính là bác sĩ và lãnh đạo BV. Có máy móc, thiết bị y tế hiện đại, rõ ràng người bệnh được hưởng lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương XHH y tế cũng dẫn đến hiện tượng các BV lạm dụng dịch vụ, lạm dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn để khai thác tối đa các loại máy móc, thiết bị có được từ nguồn XHH. Với bệnh nhân BHYT, chi phí này do BHYT chi trả, người bệnh không phải chịu gánh "thu đủ bù chi" nhưng nguy cơ vỡ quỹ BHYT là có thật. Còn với bệnh nhân không có BHYT, ngoài nỗi đau bệnh tật còn phải mang thêm nỗi khổ mất tiền cho loại dịch vụ mà mình không cần.

Theo một chuyên gia về y tế, thủ đoạn trục lợi BHYT của nhiều BV là lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao. Qua các đợt kiểm tra của BHXH Việt Nam, có thể thấy rất rõ là hầu hết BV được kiểm tra đều có tình trạng chỉ định sử dụng các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) rộng rãi, bất hợp lý, nhất là các DVKT đắt tiền hoặc được XHH. Nhiều dịch vụ chồng chéo gây lãng phí như chụp XQ nhiều tư thế; vừa siêu âm ổ bụng vừa chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) ổ bụng; các DVKT được thực hiện nhiều lần dù kết quả không có gì khác biệt... Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết thêm, tại nhiều BV, có hiện tượng do máy siêu âm được mua từ tiền XHH, nên siêu âm ổ bụng cũng dùng siêu âm màu, mặc dù với kỹ thuật này vẫn phải dùng đầu dò đen trắng vì đây là thiết bị chuẩn nhất với siêu âm ổ bụng. Việc sử dụng thiết bị "lệch pha" khiến bệnh nhân tốn kém gấp 4-7 lần. Hay như kết quả thống kê ngẫu nhiên tại một BV, trong tổng số 422 ca MRI (chụp cộng hưởng từ) có tới 415 ca là đối tượng BHYT, đối tượng phải trả viện phí chỉ có 7 ca, cho thấy bệnh nhân BHYT bị lạm dụng buộc phải làm các xét nghiệm. Theo báo cáo của một BV, năm 2010 số lượt người bệnh giảm khoảng 9%, phẫu thuật loại 3 trở lên giảm 26%, trong khi đó, các xét nghiệm cận lâm sàng lại tăng rất cao so với năm trước: Sinh hóa tăng 44,7%, XQ tăng 51,4%, nội soi tăng 30%…

Chuyện các BV không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau trước đây thường được giải thích là vì thiếu niềm tin, vì sự chênh lệch trình độ của bác sĩ, kỹ thuật viên. Còn bây giờ, nhiều ý kiến cho rằng, có một nguyên nhân quan trọng hơn khiến các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân làm các XN không cần thiết, đó là nhu cầu tận dụng tối đa các dịch vụ XHH từ liên kết giữa đối tác và các BV để tăng nguồn thu, nhanh khấu hao máy móc. Nói thẳng ra, đó là vì lợi ích nhóm!

Phải chấn chỉnh ngay

Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, phải có những quy định xử phạt nghiêm, mức phạt nặng. Phó Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền thì cho rằng, cần có các thước đo đánh giá mức độ lạm dụng. Hiện BV đã xây dựng được 204 phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn của 14 chuyên ngành để loại trừ việc lạm dụng, đồng thời thường xuyên tổ chức bình bệnh án, cảnh báo các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, xác định công tác XN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nên Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động quốc gia quản lý chất lượng Phòng XN y học từ nay đến năm 2020. Hai trung tâm kiểm chuẩn chất lượng XN đặt tại ĐH Y Hà Nội và ĐN Y dược TP Hồ Chí Minh cùng với Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng XN TP Hồ Chí Minh đang triển khai các chương trình ngoại kiểm chất lượng XN, đào tạo về quản lý chất lượng XN và tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình.

Để các BV công nhận kết quả XN của nhau, từ tháng 9-2011, Bộ Y tế cũng đã thành lập Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng XN y học. Trung tâm gửi mẫu yêu cầu các BV đăng ký tham gia làm XN, kết quả của BV nào nằm trong mức cho phép thì sẽ được trung tâm cấp giấy chứng nhận. Khi đã được trung tâm kiểm chuẩn và cấp giấy chứng nhận thì các BV này phải công nhận kết quả XN của nhau.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng khẳng định, các quy định để quản lý hoạt động XN đã có đủ. Gần đây nhất, Bộ đã ban hành Thông tư 01/2013/TT-BYT về Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng XN tại cơ sở khám, chữa bệnh có hiệu lực từ tháng 3 vừa qua. Theo Bộ trưởng, vấn đề chỉ là các đơn vị thực hiện thế nào mà thôi. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở đã triển khai nhiều họat động nhằm nâng cao chất lượng tại các khoa, phòng XN như giao cho BV Xanh Pôn là đơn vị điểm về chất lượng XN, BV Thanh Nhàn và Đan Phượng làm điểm về chẩn đoán hình ảnh để rút kinh nghiệm và nhân rộng; tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, giám sát chuyên đề thường xuyên và đột xuất về XN… Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng thừa nhận, qua việc giám sát thường quy tại 10 BV, giám sát đột xuất tại 7 BV công lập và 3 trung tâm y tế của ngành và giám sát của BV Xanh Pôn tại 16 BV công lập, có thể thấy, một số đơn vị có xây dựng quy trình XN nhưng không thực hiện đầy đủ, công tác bảo quản hồ sơ, sổ sách, lưu kết quả XN chưa được quan tâm, quản lý, bảo dưỡng, nội kiểm và ngoại kiểm máy XN chưa đều đặn…

Thực tế này cho thấy, các quy định đã có vẫn chỉ là văn bản hành chính chưa thể siết chặt quản lý đối với hoạt động XN tại các cơ sở y tế. Đây là một thực tế đáng buồn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lạm dụng xét nghiệm y tế: Ai lợi, ai thiệt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.