Góc nhìn

Làm đẹp môi trường du lịch

Hà Trang 27/03/2024 - 06:53

Từ đầu năm đến nay, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 4 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng. Sự sôi động của hoạt động du lịch trong những tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành Du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bức tranh du lịch với gam màu sáng là chủ đạo đó, vẫn vương những “vết sạn”, dù nhỏ, nhưng nếu không tìm cách dẹp bỏ thì sẽ làm giảm giá trị, thậm chí là hỏng toàn bộ bức tranh. Đó chính là nạn “chặt chém” du khách đang diễn ra khá phổ biến.

Tối 24-3 vừa qua, cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm đã xử phạt người bán hàng rong là bà Đ.T.H (trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) có hành vi "chặt chém" du khách tại hồ Hoàn Kiếm. Khi làm việc với Công an phường Lý Thái Tổ, bà H. thừa nhận đã bán 4 chiếc bánh rán với giá 50.000 đồng cho 2 vị khách nước ngoài và bày tỏ sự hối hận vì đã tạo hình ảnh không đẹp về Hà Nội đối với du khách. Trước đó, ngày 15-3, trên mạng xã hội cũng lan truyền clip về việc du khách nước ngoài mua túi táo nhỏ với giá không hề rẻ là 200.000 đồng trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ.

Cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra được danh tính người bán hàng là bà B.T.L (trú ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình). Trong quá trình làm việc, bà L. thừa nhận hành vi ứng xử của mình không đúng và xin lỗi vì đã làm xấu hình ảnh du lịch Hà Nội.

Còn khá nhiều vụ "xấu xí" nữa có thể kể ra, như việc Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tiến hành xử phạt một tài xế thu của khách du lịch nước ngoài 500.000 đồng cho quãng đường 3km…

Có thể khẳng định nạn “chặt chém” là hành vi làm ăn chụp giật, vì lợi trước mắt mà làm xấu đi hình ảnh Thủ đô đối với du khách trong và ngoài nước. Hệ lụy lâu dài của nạn "chặt chém" sẽ dẫn đến việc một bộ phận du khách "một đi không trở lại", nói không với các điểm đến du lịch. Tuy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng những thông tin, hình ảnh về hành vi phản cảm này dễ lan nhanh trên các trang mạng đưa tới một hình ảnh không đẹp về văn hóa và con người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, thương hiệu du lịch.

Năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách (tăng 10,4% so với năm 2023), trong đó gồm 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú) và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99.770 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đó, cùng với việc ngăn chặn tận gốc nạn “chặt chém”, theo các chuyên gia du lịch, đại diện các hãng lữ hành, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong việc quản lý tình hình trật tự an ninh trên địa bàn. Việc xử phạt liên quan đến tình trạng nâng giá cần sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành như công khai giá niêm yết; tiếp nhận, xác minh, xử lý kiến nghị của du khách kịp thời là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao thương hiệu điểm đến cũng như xây dựng văn hóa, môi trường du lịch thân thiện, chuyên nghiệp.

Các cơ quan chức năng phải tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, lập các đường dây nóng, có tổ phản ứng nhanh, túc trực trong mùa du lịch cao điểm để tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, tận dụng thế mạnh của dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phê phán, điều chỉnh những hành vi bắt chẹt du khách qua đó làm sạch, làm đẹp môi trường du lịch. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn", khẳng định vị thế là một điểm du lịch hàng đầu Việt Nam và quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm đẹp môi trường du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.