(HNM) - Từ ngày 18-3, mức lãi suất được điều chỉnh giảm, trong đó đáng chú ý nhất là trần lãi suất áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống dưới 6%/năm...
Mặc dù đã được dự báo trước, song động thái này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn được doanh nghiệp (DN) đón nhận hồ hởi, vì lãi suất đầu vào giảm cũng có nghĩa lãi suất cho vay sẽ xuống thấp hơn...
Lãi suất giảm, các doanh nghiệp có thể mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đàm Duy |
Hạ trần vì tính thanh khoản bảo đảm
Đó là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo tháng 3 của NHNN tổ chức ở Hà Nội chiều 17-3. Theo đó, NHNN đã ban hành 4 quyết định liên quan đến lãi suất, có hiệu lực từ ngày 18-3. Cụ thể, Quyết định số 496/QĐ-NHNN, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 8%/năm xuống 7,5%/năm. Theo Quyết định số 498/QĐ-NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn trên thị trường.
|
Về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND, theo Quyết định số 499/QĐ-NHNN, đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm. Lãi suất USD được điều chỉnh theo Quyết định số 497/QĐ-NHNN, đối với tiền gửi của tổ chức là người cư trú, tổ chức là người không cư trú (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) tối đa là 0,25%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là người cư trú, cá nhân là người không cư trú giảm từ 1,25%/năm xuống 1%/năm.
Về động thái này của NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, những chỉ số kinh tế trong mấy tháng gần đây khả quan, trong đó, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm... là lý do NHNN tiếp tục điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động.
"Chạm tay" vào mức lãi suất hấp dẫn?
Giảm lãi suất huy động có khiến kênh gửi tiết kiệm ngân hàng bớt hấp dẫn và có ảnh hưởng đến hoạt động chung của hệ thống ngân hàng? Thực tế là không phải chờ đến khi NHNN "phát lệnh", trước đó, nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là những ngân hàng lớn đã dẫn đầu làn sóng giảm lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng xuống mức thấp hơn 7%/năm. Đại diện của hầu hết ngân hàng thương mại đều cho rằng, trong mấy tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng. Do vậy, việc điều chỉnh giảm lãi suất lúc này là hợp lý để các ngân hàng có thể cân bằng được nguồn vốn huy động và cho vay. Hầu hết ngân hàng đều có phương án cho việc điều chỉnh hạ lãi suất lần này.
Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), hạ trần lãi suất huy động vào thời điểm này là hợp lý với các chỉ số kinh tế 3 tháng đầu năm. Trần lãi suất huy động giảm xuống thấp có thể khiến người gửi tiền rút vốn ra đầu tư chứng khoán và bất động sản, nhưng không nhiều vì NHNN chỉ hạ lãi suất đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Còn với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn thực hiện theo cơ chế thỏa thuận. Nguồn tiền gửi ngắn hạn vào ngân hàng có thể sẽ được rút ra để "lướt" chứng khoán, chỉ số chứng khoán dự báo sẽ tăng mạnh trước thông tin hạ lãi suất. Dư địa cho việc tiếp tục hạ trần lãi suất trong thời gian tới sẽ vẫn còn, nếu chỉ số giá cả còn giảm xuống mức thấp.
Cùng với việc giảm lãi suất theo các quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng "đua nhau" đưa ra những gói cho vay ưu đãi. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) triển khai gói 2.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi bất động sản, cá nhân kinh doanh, mua ô tô, DN siêu nhỏ, cho vay tiêu dùng với lãi suất từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu và 9,99%/năm trong 6 tháng tiếp theo cho những khoản vay từ 2 tỷ đồng trở lên. Còn với khoản vay từ 1 tỷ đồng tới 2 tỷ đồng, mức lãi suất là 9,99%/năm không đổi trong 12 tháng đầu. Các ngân hàng khác như LienVietPostBank, OceanBank, SeABank cũng đẩy mạnh cho vay với các hộ kinh doanh, DN với lãi suất khá "mềm".
Trần lãi suất huy động cho kỳ hạn dưới 6 tháng còn 6%/năm, có nghĩa lãi suất cho vay còn khoảng 9-10%/năm. Những DN có dự án tốt thậm chí còn có thể vay với lãi suất chỉ 7-8%/năm. Như vậy, giới DN không còn phải kỳ vọng, mà thực tế đã có thể “chạm tay” vào mức lãi suất khá hấp dẫn này để mở rộng sản xuất kinh doanh. Nếu DN có cơ hội, cũng có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế có cơ hội tăng trưởng.
Lãi suất phù hợp với “sức khỏe” của doanh nghiệp - Ông Nguyễn Bá Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Eliss: Tôi thấy lãi suất cho vay chỉ dừng ở 10%/năm là hợp lý với sức khỏe DN cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đây là thời điểm DN gặp nhiều khó khăn do "đầu ra" đối với các sản phẩm hạn chế, trong khi chi phí vẫn không ngừng tăng cao. Với mức lãi suất cho vay này, công ty chúng tôi có thể mạnh dạn vay để thực hiện cho những hợp đồng sắp tới, cũng như mở rộng sản xuất. - Ông Hồ Viết Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty EMSTC: Những thông tin về việc giảm lãi suất được cộng đồng DN chúng tôi đón nhận rất hồ hởi, bởi những DN "khỏe" có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất chỉ 10%/năm, thậm chí là 7-8%/năm. Chúng tôi có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, nhưng trước đây chưa dám vay vì lãi suất vẫn cao, nay lãi suất giảm thấp, công ty sẽ tính đến việc vay thêm nguồn vốn ngân hàng để thực hiện mục tiêu này. |
Đón nhận những thông tin về hạ lãi suất, ngày 17-3, thị trường chứng khoán đã có một phiên giao dịch sôi động, chỉ số VN-Index sau một thời gian dài "chật vật" đã chinh phục lại ngưỡng 600 điểm. Tính thanh khoản cũng đạt mức cao khi giới đầu tư ào ào đặt lệnh mua cổ phiếu. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 1,87 điểm, tương đương 2,22%, đóng cửa ở 86,31 điểm. Toàn sàn có gần 125 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 1.377 tỷ đồng. Còn trên sàn TP Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index có thêm 3,53 điểm (0,59%), đạt 600,36 điểm. Khối lượng giao dịch của sàn này đạt tới 170,18 triệu đơn vị, giá trị 3.316 tỷ đồng. Đức Anh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.