(HNM) - Sau khi hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động đối với VND, không ít doanh nghiệp và cá nhân đã kỳ vọng về cơ hội giảm lãi suất cho vay.
Ảnh minh họa: Internet |
Đợt giảm lãi suất huy động vừa qua, hầu hết ngân hàng đều kéo lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5%/năm, đưa lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng dao động còn 4-5,2% tùy thuộc kỳ hạn cụ thể. Lý giải cho việc giảm lãi suất huy động, đại diện các ngân hàng đều khẳng định, thanh khoản dồi dào, ngân hàng đang dư nguồn vốn nên tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng được coi là giải pháp để ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay về mức thấp hơn đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế vì lãi suất huy động chỉ giảm với các kỳ hạn ngắn, trong khi nhiều khoản vay lại là dài hạn nên các ngân hàng khó có thể cân đối để giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, lãi suất huy động không được giảm với toàn bộ ngân hàng trong hệ thống, mà chỉ diễn ra ở một số ngân hàng.
Xét trên diễn biến thị trường tiền tệ cũng như kinh tế vĩ mô thì trong ngắn hạn vẫn khó có thể giảm lãi suất cho vay, Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: Ngoài yếu tố sức ép lạm phát, lãi suất USD có xu hướng tăng cũng khiến lãi suất cho vay khó giảm. Trong khi chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, phải quan tâm nhiều cho ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để người dân gửi tiết kiệm VND.
Còn theo ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãi suất huy động VND giảm sẽ kích thích doanh nghiệp vay vốn sản xuất - kinh doanh, nhưng phải giảm sâu lãi suất huy động mới có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đây là cả một câu chuyện dài, một bài toán phải tính thận trọng. Giảm lãi suất cho vay một cách căn cơ cần sự kết hợp với nhiều chính sách khác, riêng ngân hàng không làm được. Chẳng hạn, phải có sự phối hợp của chính sách tài khóa để đẩy mạnh thị trường vốn, giảm phụ thuộc vào ngân hàng mới giảm áp lực vốn tín dụng. Cùng với đó, thị trường bất động sản cũng phải được quản lý tốt, giảm đầu cơ nhà đất, phải làm sao xóa đi suy nghĩ đầu tư nhà đất vẫn có lãi hấp dẫn thì khi đó người dân mới gửi tiền ngân hàng. Thời gian qua, Bộ Tài chính có định hướng nghiên cứu dự thảo Luật Thuế tài sản với mong muốn chống đầu cơ nhà đất. Nhưng, nghiên cứu phải khoa học và phù hợp với thực tiễn để vừa tránh việc đầu tư vào những lĩnh vực không khuyến khích là bất động sản vừa phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội thì mới giúp người dân tập trung vào sản xuất, kinh doanh và gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, giảm lãi suất huy động sẽ khó trở thành xu thế dài hạn, mà chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định nào đó. Về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất đầu vào rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay tăng khá rõ. Chưa kể, khi hạ lãi suất huy động, các ngân hàng còn phải tính tới việc cạnh tranh với các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán vốn đang trở nên hấp dẫn gần đây.
Về phía các ngân hàng, mặc dù đã kéo lãi suất huy động xuống thấp hơn với một số kỳ hạn, nhưng khó giảm lãi suất cho vay. Bởi, trên thực tế, các ngân hàng cũng chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, không chỉ liên tục đưa ra các chương trình với những điều khoản hấp dẫn, lãi suất cũng được coi là yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp hay cá nhân nhìn vào ngân hàng để lựa chọn. Trong khi người gửi tiền vẫn kỳ vọng vào việc gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất tốt, ngân hàng khó có thể kéo lãi suất xuống thấp hơn bởi nếu lãi suất quá thấp, người gửi tiền sẽ chuyển sang bất động sản hay chứng khoán. Chưa kể, thời điểm đầu năm, lãi suất đã có đợt giảm, nên thời kỳ này ngân hàng càng khó có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Như vậy, mong đợi về việc vay vốn với giá rẻ của doanh nghiệp vẫn chỉ là kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.