Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lại những quy định “trên trời” !

Bài, ảnh: Thùy Ngân - Dạ Khánh| 11/09/2014 07:20

(HNM) - Trong khi dư luận vẫn chưa hết xôn xao về tính khả thi của đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22h của Bộ Y tế (nhằm nghiên cứu, soạn thảo dự luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia) thì mới đây Bộ Công thương lại đưa ra dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia, với nhiều quy định


Thống kê của Tổ chức Nghiên cứu thị trường Eurowatch cho thấy, trong năm 2013 người Việt đã tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia (gấp 3,5 lần so với năm 2004), xếp thứ nhất khu vực ASEAN và thứ ba Châu Á; đồng thời được xếp là một trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất. Việc kinh doanh bia khá đa dạng, từ nhà hàng, quán bar ra đến vỉa hè… Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý chất lượng bia tiêu thụ trên thị trường, nhất là bia hơi vẫn còn để ngỏ… Vì vậy, việc có những quy định "quản" việc sản xuất, kinh doanh bia là cần thiết song trong dự thảo lần này có một số quy định thiếu tính thực tế.

Uống nhiều bia, rượu sẽ có hại cho sức khỏe.



Ông Hoàng Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) thẳng thắn: Dự thảo Nghị định mới này tập trung vào các quy định mang lại thuận lợi cho công tác quản lý mà không xem xét thực tiễn cuộc sống. Nội dung Nghị định có nhiều điều khoản chồng chéo với các quy định khác đang có hiệu lực thi hành như cấm bán hàng trên vỉa hè, lòng đường hay xử phạt người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông… Về chế tài xử lý, chắc chắn sẽ vấp phải nhiều khó khăn, ví như người bán hàng trà đá vỉa hè, cà phê "cóc" có được bày bán bia chai không? Mức phạt mà lớn hơn giá trị vi phạm thì chắc chắn người dân sẽ sẵn sàng bỏ tang vật vi phạm.

Cũng đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (HILAP) nêu ý kiến: Dự thảo Nghị định có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều người dân nhưng các quy định trong đó lại rất chung chung, chưa có các khái niệm hoặc chuẩn mực cụ thể. Quy định mà còn mang nhiều cảm tính, định tính nhưng thiếu định lượng sẽ khó thực thi hoặc thực thi mỗi nơi một kiểu dẫn đến nhờn luật. Nhiều quy định trong dự thảo trùng lặp với các quy định khác. Các quy định như dán tem, quản lý chất lượng, không bán bia cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, không bán ở vỉa hè khá khôi hài và thiếu tính thực tế. Theo quy định này, người đi mua bia phải mang theo chứng minh thư để khẳng định mình trên 18 tuổi? Làm thế nào để biết một người có thai hay không hoặc người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu?

Cần có lộ trình phù hợp

Liệt kê những điểm bất hợp lý được đưa ra tại dự thảo lần này, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chỉ rõ: Theo Bộ Công thương, mục tiêu cơ bản của việc dán tem vào sản phẩm bia là nhằm xây dựng một hệ thống quản lý thống nhất toàn diện và đồng bộ từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối với khả năng truy xuất nhanh chóng nguồn gốc từng sản phẩm bia lưu thông trên thị trường, chống hàng giả, loại bỏ đáng kể các hành vi gian lận thương mại… Việc dán tem còn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo tính toán của nhà sản xuất, hiện cả nước sản xuất khoảng 3 tỷ lít bia, tương đương với 9 tỷ lon/chai, nếu mỗi con tem có giá 300 đồng thì sẽ phải bỏ ra 2.700 tỷ đồng để in tem, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc quản lý cơ sở in và cấp phát tem sẽ như thế nào để không tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng làm hàng giả? Các cơ quan quản lý nên tìm các giải pháp khác đỡ tốn kém hơn mà lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, quy định cấp giấy phép sản xuất bia lại tăng thêm một thủ tục hành chính về giấy phép con, dẫn đến tiêu cực, tốn kém. Hiện nay, để sản xuất bia đã cần đến 5 loại giấy tờ: Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch & Đầu tư); giấy phép phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát; giải pháp bảo vệ môi trường; phòng cháy chữa cháy; riêng giấy phép về an toàn thực phẩm và hợp quy phải xin 2 lần của Bộ Y tế. Nay thêm giấy phép sản xuất bia của Bộ Công thương nữa thì là tăng thêm thủ tục, đi ngược với mục tiêu cải cách hành chính.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam thẳng thắn: "Soạn thảo chính sách, cần khảo sát trước thực tế, đặt mục tiêu mới làm. Những gì không có cơ sở thì không nên đưa vào, những gì gây ảnh hưởng đến xã hội thì nên bỏ bởi văn bản quy phạm nhà nước không phải là trò chơi. Việc cảnh báo người dân tránh lạm dụng rượu, bia là cần thiết nhưng phải tìm ra được cốt lõi chỗ nào đang lạm dụng rượu, bia; ai lạm dụng để tuyên truyền cho đúng. Như vậy mới thu hút sự đồng thuận của xã hội. Nếu đưa ra không đúng thì tính khả thi sẽ không cao".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lại những quy định “trên trời” !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.