(HNM) - Hôm nay 16-1 (tức ngày 23 tháng Chạp), cùng với việc chuẩn bị mâm cơm tươm tất, mua cá chép vàng, người dân lại sắm rất nhiều đồ mã làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về chầu Trời.
Báo chí cũng như các nhà khoa học đã nhiều lần giải thích việc đốt nhiều đồ mã ngày Tết ông Công, ông Táo là không đúng với truyền thống văn hóa nhưng thị trường đồ mã vẫn tấp nập kẻ bán, người mua khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, liệu đã đến lúc phải cấm sản xuất đồ mã?
Người dân không tiếc tiền mua vàng mã để hóa. Ảnh: Khánh Nguyên
Lãng phí lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng
Khảo sát tại phố Hàng Mã, trung tâm mua sắm hàng "địa phủ" của Hà Nội mới thấy, các mặt hàng cúng lễ cho Tết ông Công, ông Táo được bày bán la liệt, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Điện thoại iPhone, xe máy, ô tô, máy bay, thậm chí còn có cả "ôsin"... giá bán từ 80-300 nghìn đồng/món; "biệt thự" từ 150-350 nghìn đồng/nhà; một bộ quần áo, mũ ông Công, ông Táo loại lớn giá 120 nghìn đồng, loại nhỏ là 90 nghìn đồng, tăng khoảng 35% so với năm 2011. Như vậy, để mua đủ bộ đồ mã cúng Táo quân, mỗi gia đình phải chi phí từ 100 nghìn đồng đến vài triệu đồng, trong khi Thủ đô Hà Nội có gần 2 triệu gia đình, cả nước có hơn 20 triệu gia đình thì số tiền thật đi mua đồ mã để đốt riêng trong ngày 23 tháng Chạp đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Chuyện đốt đồ mã trong ngày Tết ông Công, ông Táo nói riêng, các ngày lễ, tết nói chung là lãng phí, tốn kém, không đúng với truyền thống văn hóa… đã nhiều lần được dư luận nói đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn khoa học. Thậm chí một số nơi như chùa Hương, (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), chùa Liên Hoa, (quận 8, TP Hồ Chí Minh)… nhiều năm nay yêu cầu các phật tử đến lễ không đốt giấy tiền vàng mã, để dành tiền công đức từ thiện, cứu giúp bà con nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa. Hơn 10 năm nói không với vàng mã, chùa Liên Hoa đã quyên góp được hơn 25 tấn gạo và hơn 5 tỷ đồng để phát hàng nghìn phần quà cho bà con vùng thiên tai, xây tặng 25 căn nhà tình thương cho người nghèo, tặng hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo học giỏi.
GS Lê Văn Lan cho rằng: "Lãng phí, nguy hiểm từ việc đốt đồ mã ai cũng thấy, lợi hại từ việc không đốt đồ mã mọi người cũng đều rõ nhưng nó vẫn tồn tại phổ biến trong cộng đồng dân cư là vì người dân đã quen sử dụng, mà với người Việt Nam ta, cái gì đã trở thành thói quen thì tự bản thân họ rất khó thay đổi". Bằng chứng là Chính phủ đã ban hành Nghị định 75 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, trong đó việc đốt đồ mã nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng, song từ khi nghị định có hiệu lực (1-9-2010) đến nay, lực lượng thanh tra các cấp vẫn chưa xử lý được bất cứ trường hợp nào do thiếu chế tài.
Trở lại vấn đề đốt vàng mã, đồ mã trong ngày Tết ông Công, ông Táo. Không thể phủ nhận việc đốt đồ mã trong ngày này là lãng phí, là không đúng với truyền thống văn hóa, song rõ ràng chưa có quy định nào cấm người dân đốt đồ mã ở gia đình, mà cúng ông Công, ông Táo thường chỉ diễn ra trên phạm vi gia đình.
Đã đến lúc phải kiên quyết
Trước sự "bất lực" của thanh tra trong việc xử lý hành vi đốt đồ mã nơi công cộng, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL kiến nghị Bộ VH,TT&DL nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản cấm việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng đồ mã. Đồng tình với quan điểm này, ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết thêm: Là cơ quan tham mưu cho Bộ VH,TT&DL về vấn đề quản lý việc đốt đồ mã, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã tư vấn nhiều giáo sư, các nhà khoa học có uy tín. Ý kiến các nhà khoa học đều cho rằng, việc đốt đồ mã hiện nay đã đi quá giới hạn, bị lạm dụng và gây lãng phí rất lớn, nếu không có biện pháp trừ tận gốc thì quản lý cách nào cũng khó thành công.
"Biện pháp trừ tận gốc chính là việc cấm sản xuất đồ mã. Vậy nhưng đồ mã vẫn là một trong những mặt hàng có trong danh mục của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho phép sản xuất và có thu thuế. Nghề làm hàng mã cũng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động tại các làng nghề truyền thống" - Ông Lương Hồng Quang băn khoăn.
Hơn 10 năm trước, dư luận đã lo ngại hàng nghìn lao động ở làng nghề làm pháo Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) sẽ làm gì, sẽ sống thế nào khi Chính phủ cấm đốt pháo. Vậy nhưng, người dân Bình Đà sau khi bỏ nghề pháo chú tâm vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán cây cảnh... nên giàu hơn thời kỳ làm pháo.
Nhân chuyện đốt đồ mã lãng phí ngày Tết ông Công, ông Táo năm nay để nói đến việc nên cấm sản xuất đồ mã. Rất mong các cơ quan hữu quan suy ngẫm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.