(HNMO) - Theo Cục An toàn thực phẩm, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh.
Ngày 22-5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo về việc trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế các bệnh viện lớn để tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Như vậy, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh.
Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.
“Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe”, Cục An toàn thực phẩm lưu ý.
Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
- Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.
- Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.
- Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.
- Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.
Trước đó, Báo Hànộimới đã có bài phản ánh với tiêu đề: Tránh “tiền mất, tật mang” với “thần y” từ mạng xã hội. Nội dung bài báo phản ảnh việc, ngày càng có nhiều lương y, “thần y” xuất hiện trên TikTok, Facebook để chia sẻ những bài thuốc, hay những cách trị bách bệnh, từ tiểu đường, dạ dày, xương khớp, cao huyết áp cho đến đột quỵ, ung thư…
Không chỉ nhằm mục đích “câu view”, những “thần y” mạo danh này còn là kênh phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng, bài thuốc đông y trôi nổi… và ẩn họa sau đó, không ít người đã phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.