Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lách luật hay buông lỏng quản lý?

Nhóm PV| 02/12/2010 07:08

(HNM) - Theo hợp đồng được ký kết giữa Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại và Xuất khẩu lao động (Vinahandcoop) với người lao động (NLĐ), NLĐ được phép làm việc tại Cyprus trong thời hạn 4 năm, có gia hạn 2 năm với mức lương 150 bảng Cyprus/tháng (tương đương 376 USD/tháng).

Thế nhưng mới làm việc được 1 năm, họ đã buộc phải về nước vì chủ sử dụng lao động thông báo đã hết hạn hợp đồng. Bất đắc dĩ, họ phải trở về Việt Nam gặp đại diện Vinahandcoop để giải quyết nhưng công ty không có thái độ thiện chí.

Trình bày với phóng viên Báo Hànộimới, chị Mạc Thị Giang, ở Bờ Dọc, An Lạc, Chí Linh (Hải Dương) bức xúc: Theo hợp đồng ký kết giữa chị và Công ty Vinahandcoop thì chị được đưa sang Cyprus làm việc 4 năm. Công việc của chị được ghi rõ là hộ lý, chăm sóc người bệnh với mức lương 150 bảng Cyprus/tháng. Những tưởng bỏ ra một khoản phí rồi chắt chiu dành dụm trong thời gian làm việc ở nước ngoài, khi về nước sẽ có chút vốn làm ăn. Nào ngờ, vừa hết 1 năm, chị và những người đi cùng đợt nhận được thông báo từ chủ sử dụng lao động: Hết hợp đồng lao động, phải về nước!

Người lao động chờ Công ty Vinahandcoop thanh lý hợp đồng.

Quá bức xúc, NLĐ đã tìm đến trụ sở của Vinahandcoop tại 80 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để giải quyết thì nhận được câu trả lời "nhẹ tênh" từ phía Vinahandcoop: Hợp đồng chỉ có giá trị 1 năm. Nhưng do phía công ty đánh máy nhầm nên thành ra 4 năm. Chị Giang cho biết, tổng số tiền mà chị đã chi phí để đi lên đến hơn 8.400 USD. Nếu chỉ được đi làm việc 1 năm thì tổng số lương của chị chỉ được hơn 4.400 USD. Như vậy, không ai dại gì bỏ 8.400 USD để đi làm việc không công và mất thêm tiền. Vì vậy, việc công ty nói đánh máy nhầm là điều không thể chấp nhận.

Trong đơn gửi Báo Hànộimới, chị Giang còn cho biết thêm, tháng 4-2009, chị được ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng Thị trường Công ty Vinahandcoop tư vấn đi làm tại Cộng hòa Cyprus với hợp đồng 4 năm và gia hạn 2 năm; phí xuất cảnh là 8.400 USD, không kể học phí. Tháng 5-2009, ông Khiêm yêu cầu chị Giang đóng 1.000 USD tiền đặt cọc; tháng 6-2009, đóng tiếp 2.000 USD; cuối tháng 7, ông Khiêm nhận 5.300 USD. Tổng cộng 3 lần thu, tổng số tiền là 8.300 USD và chỉ có biên nhận viết tay. 100 USD còn lại sẽ được trả cho ông Khiêm sau khi xuất cảnh. Nhưng bất ngờ, khi xuất cảnh thì ông Khiêm đã thu lại toàn bộ những giấy tờ viết tay và đưa lại biên lai không có dấu với số tiền ghi trong biên lai là 43.787.696 đồng. Khi gia đình chị Giang thắc mắc về sự không trùng khớp số tiền thực nộp và biên lai, ông Khiêm chỉ giải thích đó là quy định của công ty!?

Cũng như chị Giang, chị Dương Thị Vân, ở Hải Dương cho biết, đã nộp trực tiếp cho ông Khiêm là 7.300 USD tại 2 địa điểm ở số 123 A3 Khu đô thị mới Đại Kim - Hoàng Mai, Hà Nội và tại Hải Phòng.

Ngày 23-10-2010, sau khi được chủ sử dụng thông báo hết hạn hợp đồng, hai chị về Việt Nam và nhiều lần liên lạc với ông Khiêm nhưng không được. Ngày 22-11 vừa qua, chị Giang và chị Vân đã đến Vinahandcoop tại 80 Hàng Gai - Hà Nội để yêu cầu giải quyết. Lúc này, người trực tiếp tư vấn và thu tiền phí đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì chối quanh cho rằng, do đánh máy nhầm. Còn ban giám đốc doanh nghiệp này thì chưa hề có động thái gì nhằm hỗ trợ, đền bù cho NLĐ.

Theo Luật Người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp không được phép quy định mức phí vượt quá mức trần mà Bộ LĐ-TB&XH quy định. Hơn nữa, theo Điều 21 của luật này, "Trong trường hợp NLĐ đã nộp tiền cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của NLĐ thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho NLĐ phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng". Như vậy, lẽ ra trong trường hợp này, Vinahandcoop không những phải hoàn trả tiền phí vượt trần mà phải hoàn lại phí dịch vụ cho NLĐ. Thế nhưng, không những không nhận trách nhiệm giải quyết cho NLĐ, kiểu hành xử của Vinahandcoop đang làm cho NLĐ bức xúc và lo lắng với những khoản phải vay nợ trước khi xuất cảnh đi làm việc tại Cyprus.

Liên quan đến Công ty Vinahandcoop, trong năm 2009, công ty này cũng từng bị Cục Quản lý lao động ngoài nước phạt 25 triệu đồng và đình chỉ hoạt động XKLĐ trong 6 tháng, tính từ ngày 7-7-2009, vì đã đưa lao động sang Nga làm việc không đúng theo hợp đồng. Về việc này, bà Nguyễn Thị Thúy Lai, Trưởng phòng Thanh tra lao động Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong thời gian bị đình chỉ, Công ty inahandcoop phải dừng mọi hoạt động tuyển dụng, đào tạo mới. Còn đối với những trường hợp đã tuyển dụng, đào tạo trước đó thì công ty báo cáo cục để đưa lao động đi, nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Tuy nhiên, theo bà Lai, công ty không thể đưa ra mức phí quá lớn so với mức lương mà người lao động được hưởng khi làm việc.

Như vậy, rõ ràng trong sự việc này, dù bất kỳ lý do gì, Vinahandcoop vẫn phải có trách nhiệm với NLĐ. Và nữa, cũng qua sự việc này, cơ quan quản lý cần xem xét lại trách nhiệm của đơn vị này trong hoạt động XKLĐ. Ngoài ra, việc để tồn tại những doanh nghiệp liên tục vi phạm các quy định về XKLĐ, có mức phí cao hơn quá nhiều so với thực tế... có thể có một phần trách nhiệm của chính cơ quan quản lý thuộc lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lách luật hay buông lỏng quản lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.