Cả xã La Phù (huyện Hoài Đức) hiện có hơn 200 doanh nghiệp, hơn 500 hộ sản xuất bánh kẹo, dệt kim; không khí sản xuất, giao thương vô cùng sôi động... Làng nghề đang góp phần tích cực nâng cao các tiêu chí trong nông thôn mới.
Xưởng sản xuất bánh kẹo Hoàng Gia nằm trong Khu công nghiệp La Phù đang có hàng chục công nhân miệt mài sản xuất, đóng gói bánh kẹo. Gia đình anh Trung chuyển tới sản xuất tại điểm công nghiệp làng nghề của xã đã được 6 năm, với mặt bằng rộng 600m2. Anh Ngô Văn Trung, chủ cơ sở cho biết, thời điểm cuối năm là mùa cưới, Tết, cũng là lúc cơ sở sản xuất của gia đình tăng công suất hoạt động.
Quả thực, đến La Phù, từ đầu xã đến cuối xã, đâu đâu cũng bắt gặp không khí làm việc khẩn trương. Có lẽ, không ngày nào ở đây đường sá vắng những chiếc xe tải xếp hàng dài, nối đuôi nhau di chuyển, tập kết giao nguyên, vật liệu, lấy hàng mang đi các nơi tiêu thụ. Dọc tuyến đường chính dẫn vào trụ sở UBND xã, gia đình nào cũng tận dụng mặt tiền của ngôi nhà làm cửa hàng, kho chứa sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Thanh Bình nói: “Người La Phù có ruộng nhưng chúng tôi cho dân xã khác tới làm. Dân La Phù chỉ tập trung sản xuất 2 nghề chính là dệt kim và bánh kẹo. Các hộ không sản xuất thì làm dịch vụ thương mại như cung cấp nguyên liệu, thu mua và phân phối sản phẩm”.
Tự hào về đất nghề, Chủ tịch UBND xã La Phù Tạ Công Luận cho biết thêm: Xưa kia, La Phù vốn có nghề dệt truyền thống nổi tiếng. Sau năm 1954, người dân tỏa đi khắp nơi buôn bán, lĩnh hội thêm nhiều nghề khác như làm tinh bột, nấu nha rồi sau này sản xuất bánh kẹo. Thế rồi nghề dệt hưng thịnh trở lại, nhiều hộ gia đình mở xưởng, thành lập công ty sản xuất sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu. Cũng từ nghề nấu nha, người dân còn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, phát triển nghề làm bánh kẹo. Hai nghề cùng phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm cho nhiều người dân trong xã và địa phương lân cận.
Hiện nay, dù là nghề dệt kim hay bánh kẹo, các hộ dân ở La Phù đều mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm dây chuyền sản xuất hiện đại, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều cơ sở còn được các thương hiệu bánh kẹo lớn đặt gia công sản phẩm với yêu cầu, kiểm định chất lượng sản phẩm chặt chẽ, nghiêm ngặt. Ước tính, cả xã có 175 hộ làm thương mại, dịch vụ, hoạt động buôn bán ở La Phù càng trở nên sôi động, đa dạng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Thanh Bình, xã có diện tích tự nhiên 351ha với 11 thôn, hơn 13.000 người. Hiện nay, cả xã có hơn 500 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, hơn 200 doanh nghiệp. Làng nghề phát triển, hàng chục cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của xã thuê đất của các xã lân cận để mở xưởng sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong vùng.
Cũng từ đây, đời sống của người dân La Phù nâng cao rõ rệt. Năm 2023, qua điều tra, khảo sát, thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 92,7 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, La Phù không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ chiếm 0,017%. Dân giàu xã cũng mạnh. Năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 18 tỷ đồng. Đây là nguồn lực đáng kể để xã đầu tư kiến thiết nông thôn.
Kinh tế phát triển, người dân La Phù có thêm điều kiện đóng góp xây dựng quê hương. Trưởng thôn Chùa Tổng Đỗ Thiện Hưng chia sẻ, nhân dân trong thôn đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng, hơn 1.000 ngày công lao động làm đường bê tông ven kênh T3A rộng 5-7m, dài hơn 1km, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại tuyến đường trục chính của xã. Nhân dân cũng đã tu sửa, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang nhân dân, các công trình văn hóa của thôn…
Theo báo cáo của UBND xã La Phù, trong tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay đạt hơn 64 tỷ đồng thì có hơn 9 tỷ đồng (chiếm 14%) là vốn xã hội hóa do nhân dân đóng góp. Mới đây, La Phù được Đoàn thẩm định nông thôn mới của thành phố Hà Nội đánh giá đủ tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Thực tế, làng nghề La Phù có dư địa phát triển rất lớn. Tuy nhiên, còn không ít hạn chế, như một số hộ sản xuất chưa thực hiện đúng quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường; còn tình trạng sản xuất hàng nhái các thương hiệu. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân; kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… để răn đe.
Xã cũng yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.