(HNM) - Từ tháng 5-2007, Bảo hiểm xã hội Hà Nội thí điểm triển khai chi trả lương hưu qua tài khoản thẻ ATM tại 4 quận nội thành (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng). Sau hai năm thực hiện, chương trình đã được mở rộng đến các quận, huyện khác (thuộc Hà Nội cũ), nâng tổng số cán bộ hưu trí lĩnh lương hưu qua tài khoản ATM lên đến hơn 20 nghìn người...
Như trường hợp của ông Nguyễn Đức Hoa (P303, H1, tập thể Viện Năng lượng, số 6 phố Tôn Thất Tùng), vào kỳ lương hưu tháng 12-2009, đã không lĩnh được tiền lại phải đến tận Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa (địa chỉ tạm thời tại số 106, phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng) để làm thủ tục ký xác nhận khiến ông rất bức xúc. Là một cán bộ tổ dân phố, ông Hoa được tiếp cận và hiểu rõ quy định quản lý, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, đối với những cán bộ hưu trí lĩnh lương qua ATM thì cứ định kỳ mỗi năm 2 lần vào trước các ngày 25 của tháng 5 và tháng 11 phải trực tiếp ký xác nhận thì mới tiếp tục được trả lương vào tài khoản. Ở trường hợp của ông, mặc dù nhớ lịch xác nhận chữ ký nhưng do vướng bận giải quyết công việc gia đình ở quê nên ông Hoa không thực hiện đúng thời hạn, dẫn đến việc không được chi trả lương tháng 12-2009 vào tài khoản. Ngay cả đến khi đã làm xong các thủ tục theo yêu cầu, ông Hoa vẫn phải chờ đợi hơn chục ngày mới có lương vào tài khoản thẻ ATM.
Tại cơ quan BHXH Đống Đa những ngày cuối năm 2009, không chỉ có riêng ông Hoa đến ký xác nhận để được trả lương vào tài khoản ATM mà phần nhiều cán bộ hưu trí đến đây đều không biết quy định ký xác nhận 2 lần/năm hoặc biết rồi nhưng… quên. Có người tỏ ra khá gay gắt vì phải trực tiếp "xác nhận sự sống" của bản thân khi việc này đáng ra phải do cán bộ quản lý hưu trí, cán bộ chuyên trách tại các địa phương phụ trách thực hiện: "Khi chúng tôi mất đi, sẽ phải báo tử để làm cơ sở hưởng tiền mai táng phí hoặc tiền tuất. Từ đó cán bộ phụ trách sẽ báo "cắt" lương của chúng tôi. Nếu BHXH phối hợp chặt chẽ với cán bộ cơ sở thì sẽ không xảy ra tình trạng tiền lương hưu vẫn "rót" vào tài khoản khi người lĩnh không còn".
Với thực tế theo dõi chi trả lương hưu trực tiếp và qua ATM, chị Đinh Thị Phượng - cán bộ lao động, thương binh - xã hội phường Trung Tự đưa ra so sánh: Việc trả lương qua thẻ ATM có hai điểm thuận lợi, giảm người đến tập trung đông tại điểm phát lương hưu, người sử dụng thẻ ATM có thể rút tiền tại bất cứ nơi nào đặt máy rút tiền tự động. Nhưng cũng có bất tiện như việc 6 tháng phải xác nhận chữ ký một lần khiến nhiều người quên. Bên cạnh đó, việc chi trả qua ATM mới thực hiện ở tiền lương hưu, chưa triển khai ở các khoản trợ cấp khác nên người được hưởng nhiều chế độ vẫn phải đến lĩnh trực tiếp tại phường. Kết quả thống kê tại phường Trung Tự cho thấy, hiện có 700 người lĩnh lương qua thẻ ATM nhưng có đến 2.100 người lĩnh tiền lương hưu trực tiếp. Đến thời điểm này, quận Đống Đa dẫn đầu thành phố về số người lĩnh lương qua tài khoản ATM nhưng mới được 6.759 người trên tổng số 48.509 người lĩnh lương hưu. Sự chênh lệch này sẽ còn cao hơn khi nhiều cán bộ hưu trí đã và đang đề nghị được trả thẻ ATM để quay lại cách lĩnh lương trực tiếp.
Trước những bức xúc của cán bộ hưu trí lĩnh lương qua ATM, ông Nguyễn Ngọc Huyến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính BHXH Hà Nội có ý kiến trao đổi: Việc yêu cầu cán bộ hưu trí lĩnh lương hưu qua thẻ ATM ký xác nhận 6 tháng/lần là theo quy định tại Quyết định số 845/QĐ-BHXH ngày 18-6-2007 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm quản lý, chi trả các chế độ BHXH bắt buộc được chính xác, an toàn. Thay vì hằng tháng phải đến phường ký nhận trực tiếp lĩnh lương hưu thì người lĩnh lương hưu qua thẻ ATM chỉ thực hiện 2 lần trong năm giúp giảm số lần đi lại. Đối với người không sinh sống thường xuyên tại địa bàn đăng ký lĩnh lương hưu, có thể làm xác nhận chữ ký ở BHXH quận, huyện nơi đang tạm trú. Đây là quy định bắt buộc trong quản lý chi trả chế độ vì hiện tại có nhiều cán bộ hưu trí đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng lại sinh sống ở nơi khác nên việc theo dõi chứng tử gặp nhiều khó khăn và không kịp thời. Trên thực tế, BHXH chưa thực hiện "cắt" lương của các cán bộ hưu trí không ký xác nhận đúng thời hạn vì thủ tục "cắt" và "nhập" lại phải qua nhiều công đoạn, mất rất nhiều thời gian mà mới chỉ tạm dừng chi trả tiền lương hưu vào tài khoản và chuyển sang theo dõi trên danh sách chi trả bằng tiền mặt. Nhờ vậy, với những cán bộ chậm ký xác nhận có thể đề nghị được lĩnh lương hưu trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chờ chi trả vào tài khoản. Vì nhiều người chưa nắm rõ quy định này nên cho rằng bị gây phiền hà, mất thời gian chờ đợi. Đây cũng do một phần trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm trong việc tuyên truyền, phổ biến.
Cuối cùng, ông Huyến khẳng định, việc ký xác nhận lĩnh lương qua ATM luôn phù hợp với quy chế quản lý tài chính, vấn đề là cải cách quy trình, hình thức triển khai tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ hưu trí. Hiện tại, mỗi khi đến định kỳ ký xác nhận, BHXH đã in danh sách chuyển về UBND phường, nhưng tiến tới có thể sẽ phổ biến, tuyên truyền, cung cấp tài liệu ký xác nhận
sâu sát hơn đến tận các tổ dân phố, tổ hưu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.