(HNM) - Từ đầu tuần qua, các VĐV đối kháng của Đội tuyển Karatedo quốc gia đã có HLV ngoại mới - ông M.Ivansikov. HLV người Latvia này được hy vọng sẽ chứng minh quyết định sử dụng chuyên gia ngoại cho đội đối kháng của Đội tuyển Karatedo quốc gia là hoàn toàn đúng đắn.
Thực tế, những người có trách nhiệm ở Tổng cục TDTT khi quyết định sử dụng HLV cho đội đối kháng Karatedo quốc gia đã phải chịu nhiều sức ép. Sức ép từ việc không tiếp tục làm việc với HLV kỳ cựu Lê Công sau khi vị HLV lão làng này có đóng góp rất lớn cho đội tuyển quốc gia. 13 năm làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia, phụ trách trực tiếp đội đối kháng, vị HLV này đã cùng các học trò giành tới 4 HCV ASIAD (2 HCV ở ASIAD 2002, 1 HCV ở ASIAD 2006 và 2010). Đó là thành tích mà không HLV nào ở Việt Nam giành được, nhờ đó, giúp Đội tuyển Karatedo quốc gia luôn được hưởng mức đầu tư trọng điểm trong nhiều năm qua.
Từ nay đến cuối năm 2015, Đội tuyển Karatedo quốc gia tham dự 3 giải gồm: Giải Vô địch Đông Nam Á, Giải Vô địch Châu Á và Giải Vô địch trẻ thế giới. Trong danh sách đội đối kháng được tập trung tập huấn lần này, đa số là các VĐV sinh năm 1995-1996. Võ sĩ Lê Bích Phương (vô địch ASIAD 2010) thuộc diện "già" ở đội tuyển dù mới 23 tuổi. |
Nhưng rồi, khi thành tích của đội đối kháng dậm chân tại chỗ mà rõ nhất là tại SEA Games 27 - 2013, Tổng cục TDTT đã quyết định phương án nhân sự mới. Không HLV nội nào có thể đảm đương được vai trò của HLV Lê Công nên phương án sử dụng HLV ngoại đã được tính đến. Lập luận được đưa ra là, các HLV ngoại có lợi thế ở việc tiếp thu nhiều phương pháp huấn luyện hiện đại, có thể mang đến những điều mới mẻ cho các võ sĩ Việt Nam.
Phương án sử dụng HLV người Iran S.Hassan có thể coi như không thành công dù Tổng cục TDTT đã đặt kỳ vọng rất nhiều vào chuyên gia này. Phương pháp huấn luyện, cách tiếp cận đội tuyển của vị chuyên gia này được tôn trọng đến mức tối đa nhưng kết quả lại không được như mong muốn. Chuyện đội đối kháng không thể giành được HCV tại ASIAD 2014 để nối tiếp thành tích 3 lần liên tiếp đoạt HCV ASIAD như từng thực hiện dưới thời HLV Lê Công chỉ là một trong những lý do dẫn đến quyết định không hợp tác với chuyên gia người Iran này, bởi từ trước ASIAD 2014 lãnh đạo Tổng cục TDTT đã không đặt trách nhiệm phải đoạt HCV đối với các võ sĩ đối kháng. Quan trọng là cách thức làm việc của vị chuyên gia trên không như những người có trách nhiệm ở Tổng cục TDTT từng hy vọng.
Dù vậy, phương án tiếp tục sử dụng HLV ngoại vẫn tiếp tục được tính đến, bất kể khoản kinh phí dùng để trả lương cho chuyên gia không hề nhỏ, khoảng 4.000 USD/tháng. Lý do là bởi trong giai đoạn này, căn cứ vào mục tiêu trẻ hóa đội tuyển cũng như xây dựng một lối chơi mới, có lẽ đó là phương án thích hợp nhất. Chính vì vậy mà HLV người Latvia M.Ivansikov đã có mặt tại Hà Nội để nhận trách nhiệm dẫn dắt đội đối kháng từ giữa tháng 3 đến cuối năm 2015. Đến hết năm 2015, sau khi đánh giá tổng kết quá trình làm việc của chuyên gia người Latvia này (từng giành chức vô địch Châu Âu) thì Tổng cục TDTT mới quyết định có mời ông ký tiếp hợp đồng hay không.
Ngoài ASIAD thì SEA Games là đấu trường mang lại nhiều sức ép nhất cho đội đối kháng của Đội tuyển Karatedo Việt Nam. Nay thì sức ép dành cho HLV người Latvia không nhiều bởi Karatedo không có trong chương trình thi đấu tại SEA Games 28. Nhờ việc này, chuyên gia người Latvia có nhiều thời gian hơn để xây dựng đội tuyển theo đúng hướng đi mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.