Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng một giải pháp đột phá

Thu Trang| 20/07/2017 06:45

(HNM) - Tại hoạt động mở màn - Diễn đàn “Chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn” - được tổ chức chiều 19-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu hy vọng đây là giải pháp hiệu quả, mang tính đột phá nhằm giải quyết nỗi bức xúc của người dân về vấn đề thực phẩm.

Người tiêu dùng cần sử dụng những sản phẩm được kiểm soát để có bữa ăn an toàn.


Tạo sự kết nối “5 bên”

Đánh giá về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực nhưng chất lượng thực phẩm vẫn chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng. Vấn đề kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong nuôi trồng, chế biến… cũng như quản lý số hộ kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm theo mô hình thủ công, nhỏ lẻ còn hạn chế. Đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chỉ trong 6 tháng đầu năm toàn thành phố đã ghi nhận 33 ca ngộ độc methanol (cồn công nghiệp), trong đó có 7 ca tử vong.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng chia sẻ thêm: 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra hơn 1.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện 246 cơ sở vi phạm (chiếm 12,8%). Ngoài ra, với 411 mẫu nông lâm thủy sản được kiểm nghiệm, cơ quan quản lý xác định 26 mẫu không đạt tiêu chuẩn (chiếm 8,6%).

Trước tình hình an toàn thực phẩm ở mức báo động, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương thực hiện chương trình “Bữa ăn an toàn” - khởi động bằng Diễn đàn “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn”. Tại đây, hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã ký cam kết hợp tác cung ứng thực phẩm sạch.

GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, trong số 691 mô hình điểm về cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội có 324 điểm đã được giám sát, xác nhận, kiểm soát an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để chuỗi cung ứng sản phẩm vươn đến được bếp ăn, bàn ăn của từng gia đình thì cần có sự kết nối chặt chẽ giữa “5 bên” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà báo, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng).

Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, muốn bữa ăn hằng ngày bảo đảm an toàn thì nguồn nguyên liệu phục vụ cho bữa ăn đó phải an toàn. Chương trình “Bữa ăn an toàn” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong việc tiêu dùng thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự liên kết “5 bên” không chỉ nhằm phát hiện thực phẩm “bẩn”, mà còn giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, tìm ra giải pháp hiệu quả, kiểm soát chất lượng thực phẩm từ đầu nguồn.

Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

Chương trình “Bữa ăn an toàn” được triển khai thí điểm từ năm 2017 đến 2020 và chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, chương trình được triển khai tại 5 khu chung cư, đến giai đoạn 4 sẽ nhân rộng ra 30 khu chung cư với việc xây dựng các gian hàng cung cấp thực phẩm sạch cố định tại những nơi này. Để tạo thuận tiện cho người tiêu dùng, chương trình có nội dung thành lập trang thương mại điện tử “buaanantoan.vn” nhằm cung cấp thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn thực phẩm an toàn với giá cả hợp lý; phát hành thẻ ATM “Bữa ăn an toàn” để giúp người tiêu dùng thanh toán nhanh chóng và thuận lợi…

Để chương trình không lâm vào cảnh “nằm trên giấy”, ông Trần Văn Chung cho rằng, sự phối hợp “5 bên” phải hướng tới mục tiêu rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Sở Y tế sẽ phân công Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội kiểm tra chất lượng nguồn thực phẩm do các doanh nghiệp tham gia chương trình cung cấp bằng cách giám sát và chọn ngẫu nhiên mẫu thực phẩm tại bữa ăn gia đình; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đánh giá kiến thức của người tiêu dùng tại các khu chung cư được triển khai chương trình thí điểm.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp công nghệ phù hợp cho việc nuôi trồng, chế biến thực phẩm an toàn, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Sở NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… Sở Công Thương có nhiệm vụ kiểm soát việc sản xuất, lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Hoan nghênh sự ra đời của chương trình “Bữa ăn an toàn”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Chương trình nhằm khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh không chỉ về mẫu mã hàng hóa mà còn về chất lượng sản phẩm; tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng.

Chiều 19-7, trang thông tin điện tử buaanantoan.vn đã ra mắt. Đây là trang tin điện tử đầu tiên chuyên cung cấp thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn những địa chỉ thực phẩm an toàn. Các doanh nghiệp tham gia bán hàng qua buaanantoan.vn có thêm cơ hội để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng một giải pháp đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.